Cần sớm khắc phục “mạng nhện” cáp viễn thông
(BDO) Hiện nay, tình trạng cáp viễn thông, truyền hình giăng, mắc chằng chịt trên nhiều tuyến đường, gây mất mỹ quan đô thị. Không những thế, tình trạng trên còn dẫn đến nguy cơ cháy nổ, trở thành mối đe dọa đối với người dân khi mùa mưa bão đang đến gần.
Chết oan vì cáp viễn thông!
Mới đây, vào ngày 28-4, một trận mưa lớn làm cáp viễn thông rơi xuống đất. Trong lúc ra sân quét rác, anh Nguyễn Văn Tỷ (32 tuổi, ngụ tổ 1, KP.Phước Hải, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên) vô tình chạm vào. Hậu quả làm anh Tỷ bị điện giật chết tại chỗ. Trong lúc ra ứng cứu con, bà Đàm Thị Nga (55 tuổi) bị điện giật gây thương tích. Vợ và con của anh Tỷ cũng bị điện giật nhưng may mắn không bị thương nặng. Bà Nga kể lại: “Lúc đó vào khoảng 5 giờ sáng, tôi đang ngủ thì nghe tiếng kêu cứu của Tỷ. Lập tức, tôi chạy ra thì thấy con tôi bị dây điện đang cháy quấn vào cổ. Tôi cố gắng lao vào cứu con nhưng cũng bị điện giật té ngã. Còn con dâu và cháu của tôi nghe tiếng tôi kêu cứu rồi chạy ra cũng bị điện giật té. Mọi việc xảy ra rất nhanh, tôi bị điện giật dẫn đến ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, tôi nhận được hung tin là Tỷ đã mất. Tôi may mắn được con dâu kịp thời dùng cây kéo dây điện ra, nên chỉ bị bỏng ở tay và mặt. Con dâu và cháu nội mặt dù bị điện giật nhưng không bị thương tích gì. Nếu không thì cả nhà tôi đã chết oan. Sao người đầu bạc tiễn người đầu xanh vậy…!”, bà Nga bức xúc.
“Mạng nhện” cáp viễn thông chằng chịt dọc theo quốc lộ 1K, có thể gây nguy hiểm cho người dân bất cứ lúc nào. Ảnh: N.HẬU
Người dân ở đây cho biết, vào lúc trước khi xảy ra tai nạn, mọi người có ngửi được mùi cháy khét lẹt của dây điện. Anh Triệu Văn An, hàng xóm nhà bà Nga nhớ lại: “Cách đây không lâu, nơi đây từng xảy chập mạch điện khiến cho gần chục hộ dân mất điện. Khi thợ điện đến khắc phục thì phát hiện do dây cáp viễn thông chạm với dây điện sinh hoạt dẫn tới chập điện. Một phần cũng là do khi câu nối dây cáp, phần thừa của dây cáp không được đơn vị thi công cắt bỏ. Phần dây này chạm vào dây điện sinh hoạt dẫn đến nhiễm điện”. Anh An cho biết thêm, sợi dây điện giật chết anh Tỷ chính là dây cáp viễn thông của một nhà mạng lớn. Dây cáp này chạy song song với dây điện sinh hoạt ở khoảng cách rất gần. Vì vậy, rất có thể sợi dây cáp này đã chạm vào dây điện sinh hoạt dẫn tới chập điện. Khi trời mưa lớn, dây cáp viễn thông này rơi xuống đất và anh Tỷ đã đụng phải dẫn tới tai nạn đáng tiếc.
Trao đổi với P.V về thông tin anh Nguyễn Văn Tỷ bị cáp viễn thông giật chết, ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở TT&TT, cho biết: “Thông tin này tôi có nghe người dân nói lại khi đi kiểm hạ tầng cáp viễn thông ở TX.Tân Uyên. Đến nay, sở vẫn chưa nhận thông tin chính thức. Về nguyên tắc, cáp viễn thông không có điện. Trường hợp anh Tỷ bị cáp viễn thông giật chết là do cáp viễn thông bị nhiễm điện từ dây điện sinh hoạt. Sở sẽ xuống hiện trường để nắm thông tin lại”.
“Phớt lờ” quy định
Mặc dù trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông (gọi tắt là QCVN 33:2011/BTTTT) đã quy định rõ khoảng cách nhỏ nhất giữa cáp viễn thông với dây điện lực khi dùng chung cột là 1,25m (dây có điện áp thấp hơn 1Kv), 3m (dây có điện áp 22Kv) và 3,5m (dây có điện áp 35Kv). Đồng thời, quy chuẩn cũng quy định khoảng cách tối thiểu giữa cáp viễn thông với công trình kiến trúc nhà cửa là 3,5m và cách cành cây gần nhất là 0,5m. Tuy nhiên, theo ghi nhận của P.V, tại nhiều tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn tỉnh đang diễn ra việc kéo, mắc cáp viễn thông các loại khá cẩu thả và không tuân theo bất cứ một quy định nào.
Cụ thể, tại các tuyến đường như quốc lộ 1K, ĐT743B, Bình Thung, Lê Văn Tách (TX. Dĩ An); 22-12, An Phú - Bình Chuẩn, Nguyễn Văn Tiết, ĐT745 (TX.Thuận An)... tình trạng cáp viễn thông được móc, nối trên các cột điện rất lộn xộn. Vô số dây cáp quấn vào nhau tạo nên những “mạng nhện”. Nhiều cột điện do gồng gánh các “mạng nhện” nên có nguy cơ gãy ngã bất cứ lúc nào. Cá biệt, có trường hợp cáp viễn thông lẫn vào dây điện sinh hoạt sà xuống sát nhà dân như tại tuyến đường Nguyễn Tri Phương (phường An Bình, TX.Dĩ An). Chị Phạm Linh Lan (ngụ KP.Bình Đường 1, phường An Bình, TX.Dĩ An) cho biết: “Chúng tôi rất bất an khi trước nhà có các “mạng nhện” như thế này. Điều đáng nói là những “mạng nhện” ngày càng nhiều thêm khiến cho trụ điện không chống đỡ nổi. Mùa mưa bão đang đến gần, nên tôi rất lo sợ dây cáp bị đứt, rơi xuống gây nguy hiểm cho người dân…”.
Chị Trần Thị Lý (ngụ KP.Nội Hóa 1, phường Bình An, TX.Dĩ An) bức xúc: “Hệ thống dây điện, dây cáp viễn thông chạy qua nhiều tuyến đường không được thu gom. Thậm chí trên nhiều đoạn đường, hệ thống dây cáp còn sà xuống thấp, không chỉ làm mất vẻ mỹ quan của đô thị mà còn rất nguy hiểm đến tính mạng người dân. Nếu không may xảy ra chập cháy, những đường dây nằm sát khu dân cư có thể gây cháy nhà dân, gây thiệt hại nghiêm trọng. Rất mong các cơ quan chức năng sớm quan tâm, xử lý”.
Không những thế, hiện nay rất nhiều cây xanh dọc theo nhiều tuyến đường như ĐT743C (đoạn qua phường Bình Hòa, TX.Thuận An), ĐT743A (đoạn qua phường Tân Đông Hiệp)… đang trở thành những trụ dẫn cho vô số dây cáp viễn thông các loại. Khi không đủ hạ tầng để triển khai mắc cáp, các nhân viên kỹ thuật sẵn sàng “trưng dụng” các loại cây xanh hai bên đường để làm trụ đỡ. Nếu không may cây xanh bị gãy, sẽ kéo theo hệ thống chằng chịt cáp viễn thông đổ ra đường, gây mất an toàn giao thông, tạo tâm lý lo sợ trong người dân về nguy cơ cháy nổ, điện giật… nhất là trong mùa mưa bão. Thực tế đã có nhiều vụ chập, cháy đã xảy ra trong thời gian gần đây liên quan đến cáp viễn thông. Anh Lý Hoàng Vũ (ngụ KP.Phước Hải, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên) bức xúc: “Đơn vị thi công cáp thực hiện rất cẩu thả, làm qua loa rồi để cả đống cáp treo ngổn ngang từ trên trụ điện xuống dưới đất. Cứ để thế này không chập, cháy mới lạ”.
Tăng cường kiểm tra, xử phạt
Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cho biết nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 1643/QĐ-UBND ngày 14-7-2014 về việc ban hành Kế hoạch chỉnh trang, bó gọn hệ thống cáp viễn thông treo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014- 2016, sở đã lên kế hoạch tăng cường kiểm tra hạ tầng cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở TT&TT đã thành lập đoàn kiểm tra và chia làm 4 đợt. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 18- 8-2014 đến 15-10-2014; đợt 2 từ ngày 1-12-2015 đến 30-1-2016; đợt 3 từ ngày 1-3-2016 đến 30- 4-2016; đợt 4 trong quý III năm 2016.
Qua 2 đợt kiểm tra, sở đã gửi văn bản đến các nhà mạng yêu cầu khắc phục ngay các hành vi vi phạm QCVN 33:2011/ BTTTT và Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND ngày 18- 2-2015 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định quản lý cáp viễn thông treo trên. Đồng thời, yêu cầu các nhà mạng thực hiện căng, buộc bó gọn hạ tầng cáp, gắn thẻ nhận biết, biển báo độ cao, thu hồi trụ, cáp viễn thông không còn sử dụng. Sở còn kiến nghị UBND các cấp tổ chức rà soát, kiểm tra và xử lý các công trình nhà ở, biển hiệu và cây xanh của các hộ gia đình lấn chiếm hành lang đường bộ gây khó khăn, cản trở cho công tác chỉnh trang bó gọn các tuyến cáp cũng như việc bảo trì, sữa chửa phát triển cáp viễn thông diễn ra thuận lợi. Ngoài ra, sở còn kiến nghị Công ty Điện lực Bình Dương có kế hoạch xử lý chuyển đấu nối dây cấp điện cho các hộ dân hiện nay đang giăng ngang đường giao thông gây mất an toàn, mỹ quan đô thị và xử lý nghiêm các hộ dân tự ý kéo dây điện sinh dọc theo trục giao thông xen lẫn cáp viễn thông.
NGUYỄN HẬU