Cần sớm “gỡ vướng” để Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho người bệnh
(BDO)
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành một ca phẫu thuật.
Là bệnh viện tuyến cuối của khu vực phía Nam nhưng thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh đang rơi vào tình cảnh “chưa từng có."
Nhiều thiết bị, máy móc hư hỏng nặng, không thể sửa chữa, người bệnh hoặc phải mòn mỏi chờ đợi hoặc phải chuyển đi nơi khác.
Máy móc hư hỏng, bệnh nhân phải chuyển đi nơi khác
Anh Trần Văn L. (trú tại tỉnh Vĩnh Long) điều trị ung thư gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy 6 tháng nay. Mỗi lần tái khám, anh L. phải chụp CT để bác sỹ đánh giá tình trạng khối u. Thế nhưng gần đây, khi khám xong, anh phải đến Bệnh viện quốc tế Ngoại thần kinh cách đó 5km để chụp rồi mang kết quả quay trở lại bệnh viện.
Theo tìm hiểu, Bệnh viện Chợ Rẫy có 5 máy chụp CT nhưng hiện có 3 máy phải ngưng hoạt động vì không được sửa chữa. Do đó, đa số người bệnh có chỉ định chụp chiếu, chẩn đoán hình ảnh sẽ được chuyển sang một số bệnh viện khác để thực hiện, còn máy CT đang hoạt động sẽ ưu tiên cho người bệnh cấp cứu.
Cũng do máy của Bệnh viện Chợ Rẫy hỏng, anh Nguyễn Thanh B. (ngụ tỉnh Bạc Liêu) rơi vào cảnh điều trị đứt quãng. Sau khi bác sỹ chẩn đoán mắc u ác vòm mũi, anh B. có chỉ định hóa trị và xạ trị. Song đang xạ trị dở thì bác sỹ cho anh về, chờ đến lượt gọi lên xạ trị tiếp.
“Bác sỹ nói là máy bị hỏng nên tôi không thể xạ trị tiếp. Chờ mãi mới nhận được điện thoại gọi lên xạ lại nhưng lên đến nơi thì bệnh nhân đông quá, tôi phải chờ đến 21 giờ mới đến lượt," anh B. cho hay.
Bác sỹ Nguyễn Văn Đô, Trưởng khoa Xạ trị, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đơn vị có 4 máy xạ trị gia tốc hiện đại nhưng hiện chỉ có 2 máy đang hoạt động, 2 máy đã ngưng hoạt động từ quý 2/2022 do hết thời gian bảo hành. Trung bình mỗi ngày, khoảng 400 bệnh nhân ung thư cần xạ trị nhưng do máy không thể đáp ứng nên bệnh viện đã phải “ứng biến” bằng cách chuyển một số bệnh nhân sang hóa trị để tránh tình trạng chuyển nặng. Các y, bác sỹ phải chia ca làm việc mỗi ngày từ 6 giờ sáng đến khuya để phục vụ người bệnh. Dù vậy, hiện mỗi bệnh nhân cũng phải chờ từ 2-3 tuần mới đến lượt.
Tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt cũng diễn ra tại Khoa Siêu âm do máy bị hư hỏng. Khoa Siêu âm có 35 máy siêu âm nhưng hiện có đến 10 máy bị hỏng, không thể sửa chữa được. Một nhân viên của Khoa cho biết, các máy này có tuổi đời trên 15 năm, đã sửa chữa nhiều lần và hiện hỏng hoàn toàn, không thể thay thế. Mỗi ngày, khoảng 2.000 đến 3.000 bệnh nhân phải siêu âm nhưng do nhiều máy hỏng nên người bệnh phải chờ đợi rất lâu. Các y, bác sỹ phải làm việc từ 6 giờ sáng, không nghỉ trưa và kết thúc muộn nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu.
Cần sớm sửa đổi các quy định mua sắm, đấu thầu
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết nguyên nhân của tình trạng này là do vướng mắc trong quá trình mua sắm, đấu thầu. Cụ thể, việc sửa chữa, bảo trì, linh kiện thay thế trang thiết bị y tế hiện chưa có quy định cụ thể, chưa được quản lý giá, chưa có quy định kê khai, công khai giá, khiến bệnh viện không xác định được giá gói thầu để mua sắm, sửa chữa trong khi việc vận hành trang thiết bị y tế luôn đòi hỏi phải có linh kiện thay thế, sửa chữa, bảo trì. Bệnh viện thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện, gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám chữa bệnh.
Cũng theo bác sỹ Thức, vấn đề quản lý trang thiết bị y tế được quy định tại Điều 43, 44, 45 của Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, trong thực tế, việc kê khai và công khai giá trang thiết bị y tế chưa nêu đầy đủ chi tiết cấu hình, tính năng; giá kê khai của trang thiết bị y tế chưa được kiểm soát; có tình trạng giá kê khai cao hơn rất nhiều so với giá bán thực tế. Do vậy, bệnh viện không xác định được giá trị thật của trang thiết bị y tế để xây dựng giá gói thầu mua sắm.
Nêu ví dụ, bác sỹ Thức cho rằng trên thị trường có hàng trăm loại máy CT, từng loại sẽ có nhiều độ phân giải, nhiều chức năng khác nhau, trong khi đó mỗi bệnh viện lại có nhu cầu mua máy có chức năng khác nhau. Ví dụ, các bệnh viện tỉnh mua máy CT 64 lát cắt nhưng với những bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Chợ Rẫy phải mua loại 258 hay 512 lát cắt. Giá các loại máy này hoàn toàn khác nhau. Máy siêu âm cũng rất nhiều loại với chức năng khác nhau như siêu âm bụng, siêu âm doppler… Vì thế, khi bệnh viện xây dựng giá lại không khớp với quy định do quy định quá chung chung.
Bên cạnh đó, việc xây dựng giá gói thầu hiện chưa dựa trên Thông tư 68 của Bộ Tài chính. Theo thông tư này, việc mua sắm hóa chất và vật tư y tế tiêu hao bắt buộc phải có 3 bảng báo giá. Trong quá trình triển khai, việc có được 3 bảng báo giá gần như không thực hiện được. Hầu hết các trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu… đều không có đủ 3 báo giá theo quy định để thực hiện đấu thầu. Đưa ra ví dụ cụ thể, bác sỹ Thức cho biết do không đủ 3 báo giá nên gói thầu stent mạch vành chưa thể triển khai. Nếu tiếp tục chờ đủ 3 báo giá thì nguy cơ Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ có thể đặt stent cho bệnh nhân cấp cứu, các trường hợp khác sẽ phải chờ.
Ngoài ra, hiện số lưu hành, giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế được quy định tại Nghị định 98 hầu hết không còn hiệu lực. Các nhà thầu không thể nhập khẩu được trang thiết bị y tế để cung ứng cho bệnh viện.
“Trang thiết bị vật tư y tế, hóa chất… là loại hàng hóa đặc thù của ngành y tế, liên quan trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Do đó, cần phải được quy định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng, công khai, kịp thời để đáp ứng nhu cầu điều trị," bác sỹ Thức nêu quan điểm.
Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 98 để giải quyết các vướng mắc, khó khăn giúp các bệnh viện có thể triển khai đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Trong đó, việc quản lý giá trang thiết bị y tế, linh kiện thay thế sửa chữa bảo trì… phải đảm bảo tính công khai, khách quan với giá trị thực của thiết bị, phải có cơ quan kiểm soát và chịu trách nhiệm việc kê khai và công khai giá. Thứ hai, khẩn trương cấp mới/cấp lại/gia hạn số lưu hành, giấy phép nhập khẩu được quy định tại Nghị định 98 để nhanh chóng có vật tư y tế, hóa chất phục vụ điều trị người bệnh. Thứ ba, về lâu dài, cần thiết xây dựng luật đấu thầu riêng cho ngành y tế hoặc bổ sung chương đấu thầu cho ngành y tế trong Luật Đấu thầu.
Cùng với đó, cho phép các bệnh viện sử dụng trở lại hình thức máy đặt, máy mượn bởi việc này có lợi cho cả bệnh viện lẫn người bệnh. Nếu mua máy, bệnh viện phải bỏ ra số tiền rất lớn để mua cả máy lẫn hóa chất, bởi hầu hết máy của các hãng bắt buộc phải sử dụng đúng hóa chất đi kèm. Nếu trong quá trình sử dụng máy bị hỏng thì việc sửa chữa cũng gặp khó khăn do đội ngũ kỹ thuật của bệnh viện không thể sửa chữa được. Trong khi đó, nếu sử dụng máy mượn, máy đặt thì bệnh viện chỉ cần mua hóa chất, khi có sự cố hư hỏng, chỉ cần 30 phút sẽ có người đến sửa ngay. Riêng việc mua hóa chất có thể công khai, minh bạch bằng cách giao cho Trung tâm Đấu thầu Quốc gia và các bệnh viện mua theo giá trúng thầu./.
Theo TTXVN