Cần sớm di dời đàn khỉ ra khỏi khu vực núi Châu Thới
Hiện nay khu vực quần thể di tích núi Châu Thới (KP.Châu Thới, phường Bình An, TX.Dĩ An) có khoảng 40 cá thể khỉ đang sinh sống. Do môi trường sống bị thu hẹp cùng với nguồn thức ăn ngoài tự nhiên khan hiếm dẫn đến đàn khỉ này thường xuyên xuống núi kiếm ăn. Bị xua đuổi, một số khỉ tấn công người dân gây thương tích. Trước tình trạng trên, các ngành chức năng cần sớm có giải pháp di đời đàn khỉ để bảo vệ chúng và bảo đảm an toàn cho người dân.
(BDO)
Một con khỉ trên núi Châu Thới nhe răng “hù” khách đi chùa khi bị chụp ảnh
Vô tư chọc phá khỉ!
Quần thể núi Châu Thới ở Bình Dương được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989. Không chỉ có cảnh quan đẹp, núi Châu Thới còn cuốn hút du khách bởi đàn khỉ rừng sống lâu năm đến chùa ăn đồ cúng lễ của khách thập phương.
Theo ghi nhận của P.V, vào ngày 11 và 12-4 có rất nhiều du khách đến tham quan và thắp hương trên chùa Châu Thới. Một số du khách còn mang theo trái cây, bánh ngọt cho khỉ ăn. Trong lúc cho ăn, một số du khách “ghẹo” đàn khỉ bằng cách giả vờ đưa thức ăn rồi lấy lại hoặc ném vào chúng. Thậm chí, một số người còn tìm cách đụng chạm vào những con khỉ đang kiếm ăn trong khuôn viên chùa, trong khi nhiều người khác đã cảnh báo có thể bị khỉ tấn công.
Thấy một nhóm bạn trẻ mang theo chuối lên chùa, bà Nguyễn Kim H. (ngụ phường Bình An, TX.Dĩ An) bán hàng trên núi Châu Thới liên tục cảnh báo: “Các em coi chừng bị khỉ cắn. Có cho ăn thì đứng xa nó ra. Đừng tìm cách vuốt hạy chạm vào nó!”. Lúc này, một con khỉ đực đuôi lợn bám theo nhóm thanh niên để “xin” chuối. Sợ bị cắn, nhóm thanh niên phải ném hết số chuối mang theo cho con khỉ này. Có được thức ăn, con khi này nhanh chóng leo lên một cây gần đó để ăn. Bà H. cho biết: “Đây là một trong 3 con khỉ đực thường cắn du khách. Còn hai con khỉ đuôi dài nữa nhưng chưa xuất hiện. Nhiều du khách đến đây bị khỉ cắn là do chọc phá nó hoặc cho ăn không đúng cách”.
Thực tế trong thời gian qua đã có một số người dân và du khách viếng thăm chùa Châu Thới bị khỉ tấn công. Nạn nhân gần đây nhất là ông Bùi Hải Anh (ngụ phường Dĩ An, TX.Dĩ An). Ông Anh kể: “Cuối năm ngoái, tôi đến chùa Châu Thới thắp nhang cầu an. Lúc này tôi thấy một con khỉ đực nặng khoảng hơn 30kg đang đuổi theo bé trai. Đứa bé chạy lại chỗ tôi cầu cứu. Thấy vậy, tôi giúp bé trai xua đuổi con khỉ này. Nó không bỏ chạy mà quay lại cắn khiến tay trái của tôi bị thương nặng với vết thương hở dài 14cm gây đứt cơ xoay. Tôi phải đến bệnh viện để nối lại cơ tay”.
Trước đó 2 năm, ông Đặng Hoàng Sơn, nhân viên bảo vệ Khu tái định cư Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cũng bị khỉ trên núi Châu Thới tấn công. Khi đó, ông Sơn từ nhà người quen dưới chân núi Châu Thới đi ra thì bất ngờ bị một con khỉ đực “phục kích” cắn vào đùi và tay phải gây chảy máu nhiều. Sau đó, ông Sơn phải đến cơ sở y tế băng bó vết thương và tiêm ngừa dại. Tương tự, ông Phạm Quang Giang (62 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) làm việc trong một công ty khai thác đá cũng bị khỉ tấn công gây thương tích nặng phải nhập viện điều trị.
Theo trình bày của ông Giang, khi ông vào kho vật liệu nổ của công ty để kiểm tra thì một con khỉ nặng khoảng 15kg từ trên mái nhà bất ngờ nhảy xuống cắn vào đầu ông. Sau đó con khỉ này tiếp tục cắn vào tay ông. Mặc dù ông đã khống chế và ném con khỉ này ra xa nhưng con khỉ vẫn tiếp tục xông vào tấn công ông. Rất may đồng nghiệp của ông Giang kịp thời phát hiện vụ việc nên nhanh chóng đến xua đuổi con khỉ và đưa ông đi cấp cứu trong tình trạng bị đa chấn thương. Trước thời điểm xảy ra vụ việc, con khỉ trên thường xuyên đến khu vực công ty để kiếm ăn. Lo sợ khỉ phá phách gây hư hỏng hoặc mất tài sản trong kho vật liệu nổ, ông Giang cùng các bảo vệ ném đá đuổi con khỉ quay về núi. Chính vì điều này, con khỉ đã “mật phục” trên mái nhà rồi chờ ông đến để “trả thù”.
Cần sớm di dời đàn khỉ đến nơi an toàn
Nói về tình trạng khỉ trên núi Châu Thới tấn công người, ông Huỳnh Văn Tiếng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình An, cho biết: “Hiện nay khu vực núi Châu Thới có khoảng 40 con khỉ, trong đó có khoảng 10 con sống ở triền núi. Đây là những con khôn ranh và thường xuyên xuống khu vực nhà dân dưới chân núi để kiếm ăn. Bị người dân xua đuổi, một số còn tấn công gây thương tích cho người dân. Thậm chí, một số con khỉ vào nhà dân tìm kiếm thức ăn bị chủ nhà đánh đuổi thì phục kích trả thù. Bên cạnh đó, một số du khách đến viếng chùa cho khỉ ăn rồi chọc ghẹo dẫn đến bị cắn. Thời gian qua, UBND phường cũng đã tiếp nhận phản ánh của người dân và du khách bị khỉ tấn công”.
Khỉ trên núi Châu Thới cắn gây thương tích cho người dân và du khách
Ông Tiếng cho biết thêm, trước đây khu vực núi Châu Thới phủ bóng cây xanh với nhiều cây ăn trái nên đàn khỉ có nguồn thức ăn dồi dào. Trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa và hoạt động khai thác đá đã khiến môi trường sống của đàn khỉ bị thu hẹp, nguồn thức ăn cũng khan hiếm hơn, trong khi đó thức ăn chủ yếu của chúng là hoa quả của du khách đến viếng chùa. “Sắp tới đây, số lượng hộ dân về khu tái định cư Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh sẽ ngày càng nhiều, địa phương rất lo lắng việc đàn khỉ xuống đây kiếm ăn không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn khiến đàn khỉ gặp nguy hiểm. Địa phương đề nghị các ngành chức năng cần sớm di dời đàn khỉ đến khu vực thích hợp”, ông Tiếng kiến nghị.
Trong khi đó, theo đại diện chùa Châu Thới cho biết đã lắp đặt 4 biển lưu ý “Coi chừng khỉ cắn” tại những khu vực khỉ tập trung đông để du khách biết mà đề phòng. Đại diện chùa Châu Thới cũng kiến nghị các cơ quan chức năng sớm di dời đàn khỉ đến môi trường sống thích hợp hơn.
Theo cơ quan chức năng, trên núi Châu Thới có hai loài khỉ là khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) và khỉ đuôi lợn (Macaca leonina). Theo Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 22-1- 2019 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, hai loài khỉ trên là loài động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp thuộc nhóm IIB - Nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại (phụ lục 2 của Công ước CITES).
Được biết, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã trình phương án di dời đàn khỉ trên núi Châu Thới cho cơ quan chức năng xem xét phê duyệt. Theo đó, việc di dời đàn khỉ được chia làm 4 đợt, do đơn vị chuyên môn thực hiện trong khoảng 63 ngày. Trong đợt 1, đơn vị chuyên môn sẽ tiến hành khảo sát số lượng khỉ và dùng thức ăn để dẫn dụ đàn khỉ. Sau khi tạo “tình cảm” được với đàn khỉ, đơn vị chuyên muôn tiến hành dùng lưới vây bắt chúng. Trong đợt 3, đơn vị dùng đặt bẫy để bắt những con còn lại. Sau đó, đơn vị chuyên môn sẽ dùng thiết bị bay điều khiển từ xa bay xung quanh khu vực để khảo sát và đánh dấu những con khỉ còn lại để tiến hành vây bắt chúng bằng thuốc mê. Sau đó, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành phân loại đàn khỉ và thả về môi trường tự nhiên để chúng tiếp tục sinh sống, phát triển. Hoạt động vây bắt đàn được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, bảo đảm an toàn cho người dân và đàn khỉ.
NGUYỄN HẬU