Cần “siết chặt” quản lý hệ thống thu mua mủ cao su tiểu điền
> Bài 1: “Ngồi mát ăn bát vàng”!
Kỳ 2: Nhiều “thủ thuật” trong hành nghề
Hoạt động của các điểm thu mua cao su tiểu điền (CSTĐ) hiện nay vẫn đang bị buông lỏng, những người hành nghề thu mua mủ vì lợi nhuận đã bày ra các “thủ thuật” để qua mặt người bán, vì vậy phần thiệt thòi nhất vẫn thuộc về nông dân!
Làm giàu không “chứng chỉ”
Tuy là ngành nghề có khả năng mang lại lợi nhuận cao nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay việc kinh doanh mủ vẫn chưa theo một quy chuẩn nào, người mua mủ chủ yếu là học hỏi “kinh nghiệm làm ăn” lẫn nhau. Hiện nay, hầu hết cách đo độ mủ của các điểm thu mua là bằng “gam”, số ít điểm thu mua dùng cách đo bằng “ống nghiệm”, thường là ống xi lanh 100ml. Cách đo bằng “gam” thì được thực hiện bằng cân từ đầu đến cuối, còn cách đo bằng ống nghiệm thì lường thể tích để đo. Theo nhiều người trồng cao su lâu năm, cách đo bằng “gam” có vẻ tin tưởng hơn, còn với cách đo bằng ống nghiệm, nếu người đo nghiêng ống đi một tí là đã có thể mất vài ml, khi đó độ mủ sẽ thấp đi. Tuy nhiên, dù đo bằng cách nào thì sau khi lấy lượng mủ mẫu xong sẽ được đưa lên chảo trên bếp gas mini để nướng cho khô, sau đó sẽ được bóc ra rồi đem lên cân trên cân điện tử. Trọng lượng của miếng mủ khô này chính là độ mủ của cả lượng mủ người bán đưa đến. Độ mủ × tổng trọng lượng × giá mua sẽ ra số tiền. (Ví dụ: 30 độ × 50kg × 400 đồng = 600.000 đồng). Người mua và bán đều dựa vào kinh nghiệm để cân, đo, nướng chứ chưa có một quy chuẩn nào!
Khi chúng tôi hỏi là nướng đến khi nào mới đạt chuẩn cần thiết, những người trực tiếp nướng mủ đều nói đến khi thấy mủ nướng vàng là được. Tuy nhiên vàng đến độ nào mới đạt chuẩn thì nhiều người vẫn không trả lời được vì chủ yếu là dựa trên cảm tính. Nếu nướng cháy đi một chút thì phần lời sẽ thuộc về người thu mua, nếu nướng non thì người thu mua mủ sẽ thiệt hại. Tuy nhiên, chuyện nướng non hầu như không bao giờ xảy ra. Ông Nguyễn Thế Hùng, chủ vườn CS tại xã Phước Hòa (Phú Giáo) cho biết: “Có lần tôi chia lượng mủ ra bán cho 2 nơi thì thấy có sự chênh lệch về độ, vì vậy tôi không hoàn toàn tin tưởng vào cách đo độ của các điểm thu mua nhỏ lẻ. Với những người trồng CSTĐ, nếu bị chủ thu mua ăn gian vài độ trong một thời gian thì khoản thiệt hại là không nhỏ chút nào. Bán cho các điểm thu mua mủ nhỏ lẻ trong 2 năm tôi thấy không ổn liền đem bán trực tiếp cho Công ty Cổ phần CS Phước Hòa cho chắc ăn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại cân đo độ mủ được các chủ điểm thu mua tại nhiều nguồn khác nhau, khi được hỏi thì họ nói là đều mua dưới TP.HCM và có kiểm định, dán tem rõ ràng. Tuy nhiên việc kiểm định này lại không thường xuyên, 6 tháng mới thực hiện một lần. Nhiều người vẫn còn nghi ngờ về khả năng tác động của các chủ điểm thu mua vào các loại cân để trục lợi. Theo nhiều người trồng cao su, các chủ điểm thu mua vẫn có thể tác động vào các loại cân mặc dù được dán tem kiểm định. Trong ảnh: Đo “gam” mẫu mủ trước khi đem nướng
Việc có các “thủ thuật” gì trong cân đo mủ thì người nông dân không thể phát hiện ra, điều thấy rõ nhất là sự chênh lệch về giá mua giữa các điểm thu mua nhỏ lẻ. Anh Đức, chủ vườn CS tại xã Hội Nghĩa (Tân Uyên) cho biết: “Tôi chỉ bán theo giá của các chủ thu mua chứ không biết thêm một nguồn thông tin nào khác về giá trong ngày. Khi giá tăng họ báo rất trễ, nhưng khi giá xuống họ lại báo rất sớm”. Ông K. chủ điểm thu mua mủ tại xã Phước Hòa (Phú Giáo) cho biết: “Những điểm thu mua mủ nhỏ bắt buộc phải mua theo giá của các điểm thu mua lớn. Còn các điểm thu mua lớn lấy giá từ đâu thì tôi không rõ”. Khi được hỏi rằng tại sao ông mua chỉ có 390 đồng/độ trong khi ở Bến Cát có điểm mua đến 400 đồng/độ thì ông K. cho rằng, tuy họ mua giá cao nhưng lại ăn gian về độ bằng cách chỉnh cân điện tử, chỉnh cân ký. Chủ DNTN S.B tại xã An Bình (Phú Giáo) cho biết: “Chúng tôi thu gom rồi đem bán cho các nhà máy chế biến mủ tại huyện Bến Cát, nhà máy nào mua giá cao thì tôi bán”. Như vậy qua các ý kiến trên có thể thấy, sự chênh lệch giá mủ có tác động rất lớn từ các doanh nghiệp tư nhân. Họ là những người nắm đằng chuôi, còn nông dân thì nắm lưỡi và dĩ nhiên phần thiệt thòi thuộc về những người trồng CS.
Quản lý như thế nào?
Tuy kiếm được “bộn tiền” nhưng số tiền thuế các chủ điểm đóng không đáng là bao, hoạt động thu mua cũng không có một hóa đơn chứng từ nào mà tin tưởng nhau là chủ yếu. Anh D., chủ một điểm thu mua mủ tại xã An Bình cho biết, mỗi tháng anh chỉ phải đóng khoảng 100.000 đồng tiền thuế, trong khi đó một ngày anh thu mua khoảng 500 - 600kg mủ.
Để có thể hỗ trợ các hộ trồng CSTĐ, trong thời gian qua, các công ty CS quốc doanh đã đặt điểm thu mua tại công ty hay tại các nông trường. Bà Nguyễn Kim Vẹn, chủ vườn CS tại xã An Linh (Phú Giáo) là hộ bán mủ cho Công ty Cổ phần CS Phước Hòa cho biết: “Bán cho công ty quốc doanh có thể an tâm về độ chính xác trong việc cân đo và giá cả và được cập nhật liên tục. Bán cho các điểm thu mua tư nhân thì không thể an tâm. Ngoài ra công ty còn có chính sách ưu đãi về giá nếu bán lâu dài”. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần CS Phước Hòa cho biết: “Trên địa bàn công ty trú đóng có rất nhiều vườn CSTĐ, chúng tôi đặt ra kế hoạch thu mua mủ vừa giúp người lao động trong công ty có việc làm, vừa giúp nông dân đỡ bị ép giá”. Tuy nhiên, cũng theo ông Tân, công ty không đủ nhân lực, điều kiện để xuống từng vườn cây thu mua mủ mà nông dân cần đến các nông trường hay công ty để bán mủ. Với những người có diện tích nhỏ, mủ ít thì việc họ vượt hàng chục cây số để bán mủ cho công ty sẽ rất khó khăn, vì vậy họ vẫn phải bán cho các điểm thu mua nhỏ lẻ.
Việc quản lý các điểm thu mua mủ nhỏ lẻ của tư nhân sao cho hiệu quả vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời. Người trồng CS thì mong muốn có một đầu mối cập nhật, công bố giá chuẩn hàng ngày để họ có thể bán với giá hợp lý. Bên cạnh đó, cơ quan hữu quan cần xây dựng quy trình nướng mủ chuẩn cũng như thành lập các hợp tác xã thu mua mủ đễ giảm bớt thiệt thòi cho nông dân. Đừng để nông dân “thiệt đơn, thiệt kép”, nhất là trong giai đoạn giá mủ đang xuống thấp như hiện nay.
ĐÀ BÌNH