Cần “siết chặt” quản lý hệ thống thu mua mủ cao su tiểu điền

Thứ sáu, ngày 05/07/2013

 Hàng ngày, hệ thống các điểm thu mua mủ cao su tiểu điền (CSTĐ) tư nhân thu mua hàng ngàn tấn mủ của nông dân và có một lượng tiền lớn lưu thông qua kênh này. Buông lỏng quản lý hệ thống thu mua mủ CSTĐ sẽ có những mặt tiêu cực rất khó lường.

 Giá nào vẫn lời

Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã đi đến những địa phương có diện tích CSTĐ lớn như Bến Cát, Phú Giáo. Vài năm trở lại đây, thu mua mủ cao su (CS) đã trở thành nghề “hot” được nhiều người lựa chọn vì lợi nhuận cao mà không phải lo nắng, mưa như những người trồng CS. Có những địa phương, các điểm thu mua CS nhỏ lẻ mọc lên như “nấm”. Len lỏi vào những con đường sỏi đỏ của các xã có trồng CS không quá khó để nhận ra các điểm thu mua nhỏ lẻ. Hầu hết các điểm này đều được dựng lên một cách rất sơ sài, nhưng nhiều điểm mỗi ngày cũng có thể thu mua hàng trăm lít mủ với số tiền là khá lớn.   Một điểm thu mua mủ cao su tiểu điền tại huyện Phú Giáo

Sự xuất hiện của các điểm thu mua CSTĐ nhỏ lẻ đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ mủ của các hộ trồng CS. Người dân không phải vất vả vận chuyển ra các đại lý lớn nữa mà chỉ cần đi quãng đường ngắn là có thể bán được. Xã An Bình (Phú Giáo) là một trong những xã có diện tích CS tương đối lớn. Tại đây có gần 70 điểm thu mua mủ nhỏ lẻ. Ngoài những điểm có đăng ký kinh doanh thì không thiếu những điểm vẫn hoạt động “ngầm”. Dù góp phần hỗ trợ tốt việc tiêu thụ mủ của nông dân nhưng nếu xét kỹ hơn thì phần lợi nhiều vẫn thuộc về các chủ thu mua, giá mủ CS có lên cao hay xuống thấp thì các hộ thu mua này vẫn có lời, vấn đề là nhiều hay ít. Phần thiệt lại thuộc về những người trồng CS, họ không thể biết được các thủ thuật thu mua mà các chủ điểm thu mua sử dụng. Vì vậy họ không có cơ sở để lên tiếng.

Quản lý phần ngọn

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các điểm thu mua CSTĐ kéo theo vấn đề nan giải là quản lý hoạt động như thế nào. Lâu nay vẫn có không ít người dân phàn nàn về hoạt động của nhiều điểm thu mua, nhất là về mùi hôi của các loại nước thải, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Ông Trần Công Quang, Chủ tịch UBND xã An Bình (Phú Giáo) cho biết: “Các điểm thu mua nằm ở khoảng cách gần với nơi trồng CS nên tạo ra thuận lợi cho người dân bán mủ. Bên cạnh đó, các điểm thu mua mủ nhỏ lẻ cũng đã giải quyết một số việc làm cho lao động địa phương. Cách thu mua nhanh, gọn, đầu mùa cạo các điểm thu mua thường cho các chủ vườn ứng tiền trước để đầu tư phân bón cho vườn cây rồi trả dần. Về phía chính quyền xã, chỉ có thể quản lý về mặt môi trường chứ không thể can thiệp sâu hơn vào hoạt động của họ. Vấn đề kinh doanh theo đúng pháp luật, chính quyền địa phương cũng chỉ có thể tuyên truyền, nhắc nhở thôi. Định kỳ, cán bộ của Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cũng có xuống kiểm tra”.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các điểm thu mua CSTĐ đã gây ra sự cạnh tranh khá khốc liệt với nhau. Những “chiêu bài” như cho ứng vốn, tặng quà, tổ chức đi du lịch… được hầu hết các điểm thu mua áp dụng để lôi kéo khách hàng. Trước kia, đa phần các chủ vườn thường phải “ì ạch” chở mủ đến các điểm thu mua mới bán được thì nay đã khác nhiều. Các điểm thu mua đã cho người đến tận điểm thu mua để nhận hàng của các chủ vườn trả tiền. Bà M.N, chủ điểm thu mua mủ tại ấp Tân Thịnh (xã An Bình, Phú Giáo) cho biết: “Tôi mở điểm thu mua cũng đã được 5 năm nay. Lúc đầu việc mua bán cũng rất thuận lợi vì ít có điểm thu mua. Bây giờ thì khác rồi, điểm thu mua mọc ra nhan nhản và đương nhiên các chủ vườn trở thành “thượng đế”, phải tính toán đến việc chăm sóc khách hàng cho thật tốt để họ có thể gắn bó lâu dài với mình”. Còn anh T.D, chủ điểm thu mua mủ tại ấp Nước Vàng (xã An Bình) thì cho biết: “Đầu mùa cạo, các điểm thu mua thường cạnh tranh rất gắt gao để dành khách. Nhiều chủ điểm thu mua có tiềm lực lớn thì thực hiện việc nâng giá để kéo khách. Nếu các điểm thu mua khác không nâng theo hay không có các chiêu để hút khách sẽ rất dễ bị “sụp”.

Trong quá trình xâm nhập vào các điểm thu mua, chúng tôi cũng đã nghe nhiều về sự ganh đua giữa các điểm thu mua với nhau. Chủ yếu là ganh đua nhau về mặt giá cả. Mỗi người mỗi lý và đều cho rằng mình ở thế yếu, bị các chủ thu mua khác “chơi khăm”. Chủ DNTN thu mua mủ S.B (xã An Bình, Phú Giáo) cho biết: “Là một doanh nghiệp thu mua lớn, nhưng cũng đã phải cho “lính” xuống tận vườn thu mua mới mong cạnh tranh nổi với các điểm thu mua khác”. Chủ điểm thu mua này cho biết thêm, việc mua bán của doanh nghiệp cũng có một phần hỗ trợ cho người trồng CS, thường mua giá cao hơn các điểm thu mua khác nhằm giữ giá mủ ổn định và tránh thiệt thòi cho người trồng CS. Vì vậy, cũng đã có nhiều điểm thu mua không hài lòng với cách thức hoạt động của doanh nghiệp này. Vấn đề ứng tiền đầu mùa cạo với những người trồng CS là rất có ích. Tuy nhiên với những người đã ứng tiền thì lẽ đương nhiên họ phải gắn bó với nơi mình đã ứng mặc dù biết rằng mình sẽ chịu ít nhiều thiệt thòi. Và khi bán như vậy các chiêu bài làm giá, cân đo, đong đếm nếu có nghi ngờ sai lệch các chủ vườn này không thể mạnh miệng để phàn nàn và càng không thể “đứng núi này mà trông núi nọ”.

Cuộc chiến cạnh tranh giữa các điểm thu mua không có điểm kết thúc. Còn người trồng CS thì vẫn còn mù mờ về cách “làm giá” của các chủ điểm thu mua này.

 Bài 2: Nhiều thủ thuật trong hành nghề

 ĐÀ BÌNH