Cần quan tâm nhiều hơn công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật
(BDO) Sau 5 ngày học tập, trao đổi và thảo luận sôi nổi, Hội nghị tập huấn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) năm 2023 do Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức đã khép lại thành công tốt đẹp. Với nhiều nội dung về “Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý VHNT trong tình hình mới”, hội nghị đã củng cố kiến thức và khẳng định vai trò của công tác này trong giai đoạn hiện nay.
Các đại biểu tỉnh Bình Dương chụp ảnh lưu niệm với PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ
Sôi nổi, thiết thực
Hội nghị năm nay diễn ra từ ngày 7 đến 11-8, với sự tham gia của hơn 300 học viên là lãnh đạo các hội VHNT, Ban Tuyên giáo, giảng viên các trường đại học, cao đẳng và phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản ở 36 tỉnh, thành. Các học viên được trao đổi 6 chuyên đề liên quan đến thực trạng và yêu cầu phát triển của công tác lý luận, phê bình VHNT; công nghiệp văn hóa và vị trí, vai trò của VHNT trong sự phát triển của công nghiệp văn hóa; quá trình đổi mới hoạt động của Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam và các hội VHNT chuyên ngành Trung ương trước yêu cầu mới.
Hội nghị cũng trao đổi về quá trình 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”; khái quát về tình hình văn học hiện nay; bàn về nhân vật trung tâm của văn học. Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, các học viên đi thực tế tại 2 huyện Buôn Đôn và Lắk để tìm hiểu về văn hóa, vùng đất và tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch tại mỗi địa phương...
Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết hiện Bình Dương đang khai thác các gói kích cầu du lịch để quảng bá hình ảnh của tỉnh, đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo định hướng chung là đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đồng thời, tỉnh cũng tận dụng lợi thế trong việc tham gia các tổ chức quốc tế, giao lưu với các địa phương trong nước và nước kết nghĩa, việc thu hút đầu tư để tập trung cho một số ngành nhất định, tạo động lực cho các ngành khác, trong đó có những ngành mới ở các nước phát triển mà tỉnh đang khởi động.
Xây dựng theo hướng đa dạng, nhân văn, hiện đại
Bên cạnh những chuyên đề được báo cáo, các học viên cũng đã góp ý những vấn đề mong muốn được bổ sung, như: Giữ gìn văn hóa các dân tộc thiểu số trong tình hình mới; VHNT trong chuyển đổi số; vai trò của công tác tuyên giáo, công tác quản lý nhà nước đối với VHNT… Đây cũng là những vấn đề mà Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương cần chú ý, quan tâm hơn nữa.
Ông Lê Văn Minh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết qua hội nghị tập huấn lần này và qua trao đổi của các chuyên gia, đoàn đại biểu địa phương cũng nhìn thấy rõ hơn về các vấn đề của lĩnh vực VHNT. Địa phương cũng mong muốn có thêm nhiều nội dung về công tác quản lý nhà nước về xuất bản các ấn phẩm VHNT để có cái nhìn đa chiều; các văn nghệ sĩ cũng có thể nhìn thấy khâu kiểm duyệt cần có những tiêu chuẩn gì… để có thể hiểu nhau hơn, qua đó đóng góp nhiều tác phẩm VHNT chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Theo PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội đồng Lý Luận, phê bình Hội Nhà văn Việt Nam để phát triển lý luận, phê bình VHNT cần đến nhiều giải pháp mang tính đồng bộ về khuyến khích tài năng, công chúng nghệ thuật, tự do sáng tạo, chính sách quản lý, đầu tư, đãi ngộ… Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu một cách hệ thống quan điểm văn nghệ Marxist, đường lối văn nghệ của Đảng, đồng thời tiếp thu một cách chủ động các tư tưởng, trào lưu văn nghệ hiện đại của thế giới. Chúng ta cần chú trọng xây dựng đội ngũ lý luận, phê bình chuyên nghiệp thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, tránh phát động kiểu phong trào mà ưu tiên chất lượng, hiệu quả; phải nhận thấy 3 phẩm chất quan trọng của chủ thể viết lý luận, phê bình là tâm huyết, tài năng, bản lĩnh để có chiến lược phát triển hợp lý.
Phát biểu bế mạc hội nghị, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương cho rằng hội nghị tập huấn đã đạt được các mục tiêu đặt ra; các học viên tham gia tập huấn nghiêm túc, có những trao đổi, phản hồi sôi nổi với các chuyên đề được báo cáo tại hội nghị. Đồng thời, những vấn đề được học viên đặt ra sẽ gợi mở cho Ban Tổ chức những đề tài tại các hội nghị tập huấn tiếp theo. |
THỤC VĂN