Cần quan tâm hơn nữa chế độ, chính sách cho giáo viên

Thứ ba, ngày 14/05/2024

(BDO) Vừa qua, đoàn khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT Bình Dương về việc thực hiện chính sách và công tác phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên ngành giáo dục. Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách của đội ngũ giáo viên, nhân viên ngành giáo dục đã được các đại biểu trình bày, gửi gắm tới đoàn công tác.

 Cần quan tâm hơn nữa chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên để yên tâm công tác, gắn bó với nghề

 Kỳ vọng của giáo viên

Sống được bằng lương là mong mỏi chính đáng của người lao động, trong đó có đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên thực tế hiện nay, mức lương của giáo viên vẫn còn thấp so với mặt bằng chung khiến họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Bộ GD&ĐT, nhiều giáo viên đã gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của mình về chế độ tiền lương, các chế độ chính sách của giáo viên và mong muốn Bộ GD&ĐT sớm có những điều chỉnh để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác.

Cô Trần Thị Thúy Oanh, giáo viên trường THPT An Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, hiện tại cô có con đang học đại học và mẹ già gần 70 tuổi nhưng với mức lương hiện tại của một giáo viên có 20 năm trong nghề không đủ để cô trang trải chi phí cho con đi học và phụng dưỡng mẹ già. “Mức lương giáo viên hiện nay còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của xã hội. Mong muốn lớn nhất của đội ngũ giáo viên chúng tôi là có thể sống được bằng lương, để có thể toàn tâm, toàn ý cho công việc dạy học và chăm sóc gia đình”, cô Oanh cho biết thêm.

Trong khi đó cô Vũ Thị Dung, giáo viên trường Mầm non Phú Tân (TP.Thủ Dầu Một) gửi gắm: “Công việc của giáo viên mầm non rất vất vả và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Tuy nhiên, mức lương lại không xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra. Vì vậy, đội ngũ giáo viên mầm non rất mong muốn có những chế độ tiền lương và các trợ cấp, ưu đãi khác để có thể tập trung vào công việc giảng dạy. Khi đời sống được bảo đảm, giáo viên mầm non sẽ có thể yên tâm công tác và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục”.

Ông Trần Anh Dũng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP.Tân Uyên cho biết, ngoài chế độ tiền lương thì vấn đề phụ cấp của đội ngũ giáo viên cũng rất cần được quan tâm. Hiện nay, ở các cấp học trên địa bàn thành phố, do thiếu đội ngũ giáo viên nên đa phần giáo viên phải kiêm nhiệm nên dẫn đến tình trạng quá số lượng giờ dạy quy định nhưng giáo viên lại không được hưởng tiền phụ cấp quá giờ đó. Rất mong Bộ GD&ĐT có những điều chỉnh phù hợp để bảo đảm quyền lợi cho giáo viên.

Bỏ chế độ thâm niên, tâm tư nhà giáo

Bắt đầu từ ngày 1-7-2024, thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lương viên chức, nhất là viên chức ngành giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung. Nghị quyết số 27-NQ/TW xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế bảng lương hiện hành, từ ngày 1-7 khi chuyển lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Tuy nhiên, theo chính sách tiền lương mới, phụ cấp thâm niên nhà giáo sẽ bị bãi bỏ, nội dung này đã làm cho nhiều nhà giáo băn khoăn.

Cô Diệp Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một) chia sẻ: “Theo tôi biết thì từ ngày 1-7, lương giáo viên sẽ tăng nhưng bỏ phụ cấp thâm niên. Đây chính là những băn khoăn của nhiều giáo viên lâu năm trong nhà trường bởi khi không còn khoản phụ cấp này sẽ khiến những nhà giáo có thâm niên lâu năm như tôi cảm thấy đôi phần tiếc nuối và hụt hẫng”.

11 năm đứng trên bục giảng, mức lương hiện tại mà cô Nguyễn Tài Linh, giáo viên trường Tiểu học Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) thực nhận là chưa đến 8 triệu đồng. Nói về chế độ cải cách tiền lương sắp tới cô Linh cho hay: “Tôi đã được nghe về việc bỏ thâm niên của nghề giáo trong chính sách cải cách tiền lương. Đối với những giáo viên lâu năm, họ đã dành rất nhiều thời gian để gắn bó với nghề nên phụ cấp thâm niên như là sự ghi nhận những cống hiến của họ cho ngành. Chính vì vậy, tôi rất mong muốn trong quá trình cải cách tiền lương, Quốc hội, Chính phủ nên xem xét giữ lại chế độ thâm niên cho đội ngũ giáo viên lâu năm để họ không cảm thấy thiệt thòi”.

Mặc dù vẫn còn một số băn khoăn về chính sách, cơ cấu tiền lương mới, tuy nhiên đa phần giáo viên đều tin tưởng Nhà nước sẽ có sự tính toán phù hợp nhất để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề.

 Tại buổi làm việc vừa qua, đoàn khảo sát của Bộ GD&ĐT đã tiếp thu ý kiến của các trường và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đoàn đã thông tin một số dự thảo chính sách mới dành riêng cho đội ngũ viên chức, nhân viên ngành giáo dục để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên rõ hơn. Việc khảo sát tình hình thực tế sẽ là căn cứ để đoàn đề xuất giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới.

 HỒNG PHƯƠNG