Cần phát triển ổn định vùng nguyên liệu gỗ

Thứ tư, ngày 19/04/2017

Vừa qua tại TP.Hồ Chí Minh, Diễn đàn “Kết nối vì mục tiêu phát triển bền vững ngành chế biến gỗ” đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp (DN) gỗ tại Bình Dương và các tỉnh, thành trong cả nước. Tham gia ý kiến tại diễn đàn, lãnh đạo nhiều DN đã nhấn mạnh vai trò của nguyên liệu gỗ, nhu cầu và nguồn cung trong thời gian tới.

 

(BDO) Cây cao su có thể đóng góp lớn vào chuỗi cung ứng nguyên liệu cho ngành gỗ của Bình Dương. Ảnh: Q.CHIẾN

 Liên kết vùng nguyên liệu

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), hiện nay nguyên liệu chiếm tới 70% giá trị sản phẩm gỗ xuất khẩu. Ngành gỗ của Bình Dương được dự đoán sẽ còn tăng trưởng nhanh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Điều đáng nói, từ khi Chính phủ Trung Quốc ban hành chính sách đóng cửa rừng, nguồn nguyên liệu gỗ của các nước bị “hút” về thị trường này. Trung Quốc hiện đang là quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu gỗ đứng hàng đầu thế giới.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần gỗ Lâm Việt chia sẻ, Trung Quốc ban hành chính sách đóng cửa rừng làm cho thị trường nguyên liệu biến động mạnh. Không thể trách người trồng cao su bán nguyên liệu gỗ cho các DN Trung Quốc, bởi yếu tố thị trường giá cả thường quyết định tất cả. Cơ quan Nhà nước chỉ có thể điều chỉnh bằng các chính sách để hạn chế “chảy máu nguyên liệu”, tuy nhiên hiện quy định về thuế xuất khẩu gỗ cao su của nước ta chưa hợp lý. Theo ông Liêm, Nhà nước nên áp dụng thuế suất xuất khẩu đối với nguyên liệu gỗ cao su là 20% đối với tất cả các loại bề dày của gỗ nhằm tránh gian lận trong thương mại tại thị trường Việt Nam hiện nay.

Ông Bùi Như Việt, Phó Chủ tịch BIFA, cho biết để bảo đảm ổn định nguồn nguyên liệu ngành gỗ cần đẩy mạnh liên kết, từ nguồn phụ liệu, hóa chất đến logistics, ngân hàng…; trong đó liên kết tìm kiếm nguồn nguyên liệu rất quan trọng. Thực tế cho thấy, hàng năm các DN tại Bình Dương nhập khẩu hàng triệu m3 gỗ để phục vụ nhu cầu sản xuất. Hiện nay, thị trường đồ gỗ xuất khẩu yêu cầu đa dạng về chủng loại gỗ, như xoan đào, bạch đàn, cao su, thông… theo từng đơn hàng một. Trong điều kiện đó, một mình DN khi nhận đơn hàng không thể có đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất.

Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Đồng Nai cho rằng muốn tạo ra vùng liên kết nguyên liệu, vai trò của hiệp hội rất quan trọng. Nếu hiệp hội gỗ của các tỉnh, thành có được tiếng nói chung và được hỗ trợ tích cực từ các cơ chế, chính sách… của Nhà nước thì việc chủ động nguồn nguyên liệu trên cả nước sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn.

Trước nhu cầu cao về nguồn nguyên liệu, nhiều DN gỗ của Bình Dương đã đầu tư hoặc liên kết với hộ gia đình ở các tỉnh phía Bắc để trồng nguyên liệu gỗ. Đây là giải pháp phù hợp của các DN, tuy nhiên các DN cũng đang trông chờ vào một chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn từ Nhà nước để bảo đảm ổn định chuỗi cung ứng cho ngành gỗ trong tương lai. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần gỗ Lâm Việt (TX.Tân Uyên), cho hay tỉnh Quảng Trị được nhiều DN gỗ của Bình Dương chọn liên kết trồng rừng để duy trì nguồn nguyên liệu hợp pháp và ổn định. Mô hình liên kết giữa các DN và hộ gia đình trồng rừng ở địa phương này đang phát triển mạnh. Liên kết này dựa trên niềm tin rằng các nguồn lực của các bên tham gia liên kết sẽ được tối đa hóa. Cụ thể, DN chế biến có tiềm lực về đầu tư, kỹ thuật, công nghệ, trình độ quản lý và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm; các hộ gia đình có nguồn đất trồng và lao động.

Cây cao su cần tham gia chuỗi liên kết

Đến nay, sản lượng gỗ rừng trồng trong nước khai thác hàng năm khoảng 16.000m3 quy tròn. Khoảng 80% nguồn gỗ này có đường kính nhỏ, được sử dụng làm nguyên liệu dăm và MDF, chỉ 20% được sử dụng sản xuất các sản phẩm đồ gỗ phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, nguyên liệu gỗ cao su của Việt Nam không thiếu, lãnh đạo nhiều DN cho rằng trong thời gian tới cần phát huy vai trò của cây cao su trồng trong nước.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng nguồn gỗ cao su tại thị trường nội địa lên tới hàng chục triệu m3 mỗi năm. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiện diện tích cao su của cả nước gần 1 triệu ha; trong số này các tổng công ty, tập đoàn cao su chỉ chiếm 30%, phần còn lại là của các hộ trồng cao su tiểu điền. Đây là nguồn nguyên liệu cung ứng khá tốt cho ngành gỗ, nhưng đến nay vai trò của cây cao su chưa được phát huy đúng mức.

Tại Bình Dương, diện tích cao su tiểu điền có đến hàng ngàn ha nhưng nhiều hộ trồng cao su vẫn chưa nắm bắt được kỹ thuật trồng cây cao su, chính vì thế không những chất lượng cho mủ thấp mà chất lượng nguyên liệu cũng không bảo đảm. Các hộ này cần được trang bị thêm kiến thức chăm sóc, khai thác cây cao su. Theo ông Việt, giá nguyên liệu cây cao su hiện đang tăng đem lại nguồn thu lớn cho các hộ trồng cao su. Điều quan trọng là vai trò cây cao su cần được nâng cao hơn nữa trong chuỗi cung ứng ngành gỗ. Hiện nay, cơ quan Nhà nước quản lý cây cao su vẫn chỉ coi mủ là nguyên liệu chính, còn nguyên liệu gỗ chỉ là sản phẩm phụ. Nếu đánh giá đúng vai trò của nguyên liệu cây cao su, chắc chắn cây trồng này sẽ đóng góp rất nhiều vào chuỗi cung ứng nguyên liệu dựa trên sự liên kết giữa các hộ trồng cao su và DN gỗ.

 XUÂN VĨ

Từ khóa: