Cần phát hiện kịp thời hội chứng lồng ruột ở trẻ em

Thứ hai, ngày 07/05/2018

(BDO) Lồng ruột có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là trẻ từ 5 - 9 tháng tuổi, đặc biệt là những đứa trẻ bụ bẫm. Theo các chuyên gia y tế, có tới 90% các ca lồng ruột không rõ nguyên nhân. Vì thế, khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ bị lồng ruột, các bậc cha mẹ nên nhanh chóng đưa con mình đến cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện và điều trị kịp thời…

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung ở phường Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một) đưa con đến Phòng khám Nhi đồng Minh Nguyệt (phường Phú Thọ) trong tình trạng cháu bé mệt đừ vì đau bụng, ói, đi tiêu nhiều lần trong ngày. Chị Nhung cho biết, lúc đầu bé hay khóc và đi tiêu, sau đó đi tiêu phân có máu lẫn nhầy. Qua thăm khám, bác sĩ đã nhanh chóng siêu âm bụng cho cháu bé vì nghi ngờ bị lồng ruột. Kết quả siêu âm đã phát hiện cháu bị hội chứng lồng ruột và được bác sĩ chỉ định cho nhập viện để tháo lồng. Cũng may, nhờ siêu âm bụng mới phát hiện, nên con chị Nhung đã được bác sĩ phát hiện, nhập viện tháo lồng kịp thời và đã xuất viện sau 2 ngày ở lại theo dõi sức khỏe ở bệnh viện.


Siêu âm bụng cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Đau bụng cấp tính và ói nhiều lần ở trẻ em, có thể kèm theo tiêu phân máu lẫn nhầy... là các biểu hiện ở trẻ bị lồng ruột. Siêu âm bụng là lựa chọn đầu tiên của bác sĩ khi nghĩ cháu bé bị lồng ruột. Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, lồng ruột cấp là tình trạng một đoạn ruột chui vào một đoạn ruột kế cận, gây nên tình trạng tắc ruột cấp tính. Những triệu chứng ở trẻ mà các bậc ba mẹ cần lưu ý khi nghi ngờ con mình mắc chứng lồng ruột để đưa con đi khám kịp thời, đó là: Trẻ khóc thét từng cơn do đau bụng, bỏ bú, bỏ ăn. Sau đó, trẻ sẽ nôn ói nhiều lần. Lúc đầu là nôn ra thức ăn, sau đó chuyển qua nước màu vàng hoặc xanh. Tiếp theo, trẻ sẽ đi cầu ra nhầy lẫn máu sau cơn đau bụng khoảng 6 - 12 giờ. Dấu hiệu này dễ nhầm lẫn với bệnh kiết lỵ. Theo bác sĩ Minh Nguyệt, lồng ruột ở trẻ nhỏ có thể do nguyên nhân thực thể và nguyên nhân tự phát. Trong đó, lồng ruột tự phát chiếm khoảng 75 - 90% số ca lồng ruột (Lồng ruột không tìm thấy nguyên nhân). Ngoài ra, lồng ruột có một số nguyên nhân thực thể sau: Trẻ mắc một số bệnh trong ruột như u máu trong lòng ruột, hoặc các u ác tính; trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, đường hô hấp; đột ngột đổi loại sữa trẻ đang dùng làm cho nhu động ruột bất ngờ bị biến đổi, dễ gây ra bệnh lồng ruột.

Siêu âm là lựa chọn đầu tiên của bác sĩ khi khám lâm sàng nghi ngờ trẻ bị lồng ruột. Khi siêu âm bụng, bác sĩ sẽ thấy hình ảnh khối lồng. Bác sĩ khám bụng trẻ sờ thấy khối lồng. Cũng theo bác sĩ Minh Nguyệt, có nhiều phương pháp điều trị lồng ruột như: Tháo lồng không mổ bằng bơm hơi đại tràng hay còn gọi là tháo lồng bằng hơi (Khi trẻ được phát hiện lồng ruột sớm). Tuy nhiên, nếu không được phát hiện kịp thời, việc điều trị lồng ruột có thể sẽ phải dùng đến phương pháp phẫu thuật. Việc phẫu thuật cho trẻ bị lồng ruột thường được bác sĩ chỉ định khi có chống chỉ định tháo lồng bằng hơi. Các chống chỉ định bao gồm: Trẻ có biểu hiện choáng do lồng ruột phát hiện trễ, trẻ có biến chứng thủng ruột.

Nguyên nhân thực sự gây ra chứng lồng ruột ở trẻ em đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu nào. Do đó, lời khuyên tốt nhất mà các bác sĩ lưu ý cho các bậc cha mẹ đó là: Quan sát, nhanh chóng nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ để đưa trẻ đến cơ sở y tế phát hiện sớm lồng ruột, tránh các biến chứng nguy hiểm do chứng bệnh này gây ra cho con em mình.

“Khá nhiều trường hợp trẻ bị lồng ruột được phát hiện kịp thời qua thăm khám lâm sàng và siêu âm bụng khi nghi ngờ trẻ bị lồng ruột”.

(Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh )

 

 

 HỒNG THUẬN