Cần những giải pháp căn cơ
Từ năm học 2006-2007, tỉnh có chủ trương thực hiện phân luồng học sin (HS) sau tốt nghiệp THCS. Theo đó, 70% HS tiếp tục học phổ thông, 30% vào các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề. Công tác phân luồng đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc học phổ thông, tỷ lệ HS thi đậu đại học, cao đẳng hàng năm cũng dần được cải thiện. HS trường Trung cấp Kinh tế - Công nghệ Đông Nam tìm cơ hội việc làm sau tốt nghiệp tại ngày hội việc làm do trường tổ chức
Có nhiều cố gắng
Qua nhiều năm thực hiện phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho HS lớp 9 đã được các trường THCS quan tâm thực hiện. Hoạt động hướng nghiệp được nhà trường thường xuyên đề cập đến qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, giờ sinh hoạt chủ nhiệm và trong các tiết hướng nghiệp, sinh hoạt ngoại khóa. Vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc định hướng nghề nghiệp cho HS là khá quan trọng. Trước khi xét tốt nghiệp, các thầy cô đã có cái nhìn tổng quát về năng lực của HS, em nào có khả năng học tiếp văn hóa, đối tượng nào nên chọn cho đường học trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề. Trên cơ sở đó có lời khuyên phù hợp từng đối tượng để các em có sự lựa chọn phù hợp. Thời gian qua, hiệu trưởng các trường và giáo viên chủ nhiệm các trường đã làm khá tốt điều này.
Hoạt động tư vấn hướng nghiệp, phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS dần đi vào nề nếp và đã được xã hội chấp nhận, trong đó phải kể đến vai trò của các trường THCN. Vào mỗi mùa tuyển sinh, các trường đã chủ động đến từng trường THCS giới thiệu thông tin về ngành nghề đào tạo, định hướng nghề nghiệp, việc làm sau tốt nghiệp và cơ hội liên thông lên cấp học tiếp theo. Nhờ được tư vấn bằng nhiều hình thức, phụ huynh và HS đã có chuyển biến về nhận thức, lựa chọn hướng đi, ngành nghề phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế gia đình. Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Chỉ riêng năm 2011, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường THCN phối hợp với Phòng GD-ĐT các huyện, thị tổ chức được 7 buổi tư vấn hướng nghiệp ở tất cả các huyện, thị. Từ đó đã giúp cho HS, phụ huynh HS hiểu, định hình được thế nào là phân luồng, biết thêm các trường THCN có dạy các ngành nghề mà xã hội có nhu cầu đang cần”.
Nhưng chưa đạt được mục tiêu
Việc thực hiện phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS đi đúng hướng thì hiệu quả là rất cao, gia đình và xã hội đỡ tốn kém tiền của, HS không phải lãng phí công sức, thời gian nếu cứ cố theo học văn hóa trong khi năng lực có hạn. Thời gian qua, dù ngành giáo dục có nhiều cố gắng trong việc thực hiện phân luồng nhưng hoạt động này vẫn chưa đạt mục tiêu như mong muốn, tỷ lệ HS vào TCCN chưa cao. Hiện nay tâm lý phụ huynh vẫn còn muốn con em học hết cấp III nên họ cho con học ở các trường THPT ngoài công lập trong và ngoài tỉnh hoặc học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên. Nhưng thực tế qua 3 năm học, nhiều em vẫn thi trượt tốt nghiệp, lúc đó các em mới chọn con đường học trung cấp hoặc học nghề.
Ông Lê Việt Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT Tân Uyên nói thêm, với độ tuổi 14 - 15 suy nghĩ của các em chưa chính chắn nên các em học gì, ở đâu là do cha mẹ quyết định. Ở những vùng cao su, HS nào không có khả năng tiếp tục theo học văn hóa, phụ huynh hướng con em mình nối nghiệp cạo mủ. Vì thế việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho HS lớp 9 cần hướng đến đối tượng phụ huynh.
Giải pháp sắp tới
Để việc phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS năm học 2012-2013 đạt hiệu quả như mong muốn, những việc cần làm đã được những người làm công tác giáo dục tính đến. Tại buổi họp bàn giải pháp phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS do Sở GD-ĐT tổ chức mới đây, đại diện các phòng GD-ĐT, các trường cao đẳng, TCCN đã đóng góp nhiều ý kiến xác thực. Các trường TCCN tăng cường tư vấn, mở thêm ngành mới để tăng sức hút. Các trường phổ thông cần làm tốt hơn nữa hoạt động hướng nghiệp, trong mỗi năm học nên tổ chức cho HS đi tham quan các công ty, xí nghiệp hoặc trường TCCN để các em có định hướng tốt trước khi chọn nghề. Hoạt động tuyên truyền chú ý đến đối tượng phụ huynh HS có con em học trung bình, trung bình khá, làm sao để họ thay đổi suy nghĩ, nên cho con chọn con đường học nghề để tiến thân. Về phía Sở GD-ĐT hàng năm có kế hoạch tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác tư vấn hướng nghiệp cho giáo viên phụ trách hướng nghiệp và dạy nghề. Nếu công tác hướng nghiệp thực hiện tốt thì việc phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS vào học ở các trường TCCN, các trường nghề sẽ đạt hiệu quả như mong muốn.
A.SÁNG