Cần nhiều “sân chơi văn chương” cho sinh viên
(BDO) Có một thực tế là sinh viên càng ngày càng ít đọc sách. Họ thường tra cứu thông tin trên mạng xã hội, các trang thông tin điện tử. Thế nên, tạo ra “sân chơi văn chương” cho các bạn trẻ là điều rất cần thiết.
Mới đây, Khoa Ngữ văn trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức giao lưu sách giữa 2 tác giả nữ cũng là giáo viên của khoa là cô Tạ Anh Thư và nhà giáo - nhà văn Hà Thanh Vân. Cô Hà Thanh Vân hiện là một giảng viên của trường, sống tại TP.HCM. Ngoài thời gian giảng dạy, viết giáo trình, hướng dẫn sinh viên làm đề tài luận văn, cô “dành thời gian cho riêng tôi bên trang viết khi mọi người đã… ngủ say!” như cô tâm sự. Khá chăm chút cho các tản văn trên trang facebook cá nhân nên độ tương tác giữa cô và bạn đọc cũng rất cao. Trong buổi giao lưu sách, cô Hà Thanh Vân dành nhiều thời gian để nói về việc sáng tác, giới thiệu về cuốn “Đàn bà phù phiếm” (Nhà xuất bản Phụ nữ) của cô mới xuất bản và được độc giả yêu thích, tìm đọc. Cách trò chuyện thân tình, dí dỏm của cô khiến sinh viên rất vui vẻ đón nhận.
Với người đẹp làm thơ Tạ Anh Thư thì cô được sinh viên của trường Đại học Thủ Dầu Một cùng bạn bè biết đến qua tập thơ “Người lạ” (Nhà xuất bản Thanh niên). Khác với các tác giả khác là làm thơ gửi đăng báo sau đó tập hợp những bài yêu thích đăng thành tập thơ, Tạ Anh Thư chỉ làm thơ như một cuộc dạo chơi chữ nghĩa! Cô đăng trên facebook, được nhiều người thích, được phổ nhạc vài bài rồi mới nghĩ tới việc in sách để gom những tác phẩm của mình trong một cuốn sách dễ thương dành cho người yêu thơ. Sau đó thì báo chí mới biết đến để giới thiệu! Tại buổi giao lưu, 2 cô đã tâm sự cùng sinh viên về cảm xúc văn chương ngoài công tác giảng dạy. Sáng tác như một nhu cầu tự thân để diễn đạt bằng ngôn ngữ cuộc sống phong phú, đáng yêu này… Tác phẩm của các tác giả nữ này cũng là tiếng nói, thân phận của biết bao con người họ đã gặp trong cuộc sống. Bên cạnh đó, từ việc chia sẻ cách đọc, viết, cách yêu quý văn chương của mình, các cô đã truyền cảm hứng sáng tác đến sinh viên.
Tại buổi giao lưu, không chỉ sinh viên Khoa Ngữ văn mà còn nhiều khoa khác của trường đã đến dự. Đây quả là một… tín hiệu đáng mừng bởi sinh viên vẫn yêu thích văn học, yêu thích những sáng tác mới. Em Dương Ngọc Minh Khánh, sinh viên năm 4, Khoa Ngữ văn của trường nói: “Em rất thích những buổi giao lưu như thế này bởi em biết được cách mà cô giáo của mình phân chia thời gian cho công việc chính và niềm đam mê văn thơ. Văn chương cũng làm cho cuộc sống của mình phong phú thêm, giàu cảm xúc hơn, vốn từ ngữ nhiều hơn nếu chúng ta siêng năng đọc. Bản thân em cũng đã sáng tác nhưng chỉ dám gửi đến Câu lạc bộ Sáng tác trẻ của trường. Em sẽ mạnh dạn hơn với việc sáng tác thơ, văn để nói lên suy nghĩ, tình cảm của mình”.
Khoa Ngữ văn trường Đại học Thủ Dầu Một cũng rất cố gắng trong việc tổ chức giao lưu cùng các tác giả nổi tiếng như nhà văn - dịch giả Lý Lan, nhà văn Đoàn Thạch Biền… Cùng với việc thành lập Câu lạc bộ Sáng tác của trường, sinh viên có “sân chơi văn chương” để thể hiện khả năng sáng tác. Các sinh viên có tác phẩm thơ, văn xuất sắc trong cuộc thi sáng tác do Câu lạc bộ Sáng tác trẻ tổ chức được tặng thưởng cũng là nguồn động viên, khích lệ các em đến với văn chương.
QUỲNH NHƯ