Cần nhiều nỗ lực để ổn định đầu ra cho trái cây có múi
(BDO) Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành những vùng chuyên canh cây có múi cho năng suất, chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vấn đề đang được cơ quan chức năng, địa phương và các nhà vườn cây có múi trên địa bàn tỉnh quan tâm hiện nay là kiểm soát chất lượng sản phẩm, đầu ra ổn định cho trái cây có múi.
Một trang trại cây có múi ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Hạn chế trồng cây có múi tự phát
Để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Có thể kể đến như Quyết định số 63/2016/QĐ-UBND ngày 20- 12-2016 của UBND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2021; Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 17-2-2016 của UBND tỉnh quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020…
Từ sự hỗ trợ của tỉnh, cùng sự nỗ lực của các công ty, Hợp tác xã (HTX), các hộ dân, thời gian qua diện tích cây ăn trái có múi như cam, bưởi, quýt trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, hình thành nên những vùng sản xuất tập trung tại các huyện Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, TX.Tân Uyên với diện tích lớn. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, tổng diện tích trồng mới cây có múi trên địa bàn tỉnh là 2.142,4 ha, trong đó có 213,4 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Nhờ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Bình Dương phù hợp nên các loại cây có múi sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng trái cây được thị trường đánh giá cao. Theo chị Nguyễn Thị Hoàng, tiểu thương chợ hàng bông Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một), tuy trái cam, bưởi ở TX.Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên có giá bán cao hơn 2.000 - 3.000 đồng/kg so với cam, bưởi nhập về từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhưng vẫn được khách hàng ưa chuộng vì cam, bưởi ở Bình Dương vỏ mỏng, ngọt hơn.
Ghi nhận cho thấy, hiện giá trái cây có múi ở Bình Dương giảm từ 10 - 50% tùy loại so với cùng kỳ năm trước. Đại diện HTX Minh Hòa Phát (huyện Dầu Tiếng), cho biết dịp này năm trước bưởi da xanh ruột hồng loại 1 có giá bán 50.000 đồng/kg hiện chỉ còn 30.000 - 35.000 đồng/kg; trong khi đó cam, quýt trồng ở TX.Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên giảm 40 - 50% so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân giá trái cây có múi trong tỉnh giảm được vị đại diện này cho biết một phần là do việc nhiều gia đình trồng tự phát không theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng thừa nguồn cung và phụ thuộc vào thương lái.
Thực tế cho thấy, ngoài những doanh nghiệp, HTX, trang trại cây có múi có diện tích lớn trên địa bàn tỉnh tổ chức sản xuất và tiêu thụ hiệu quả, còn lại hầu hết các gia đình trồng cây có múi việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nên bị động đầu ra, bị ép giá... Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ của nhiều cơ sở, gia đình trồng cây có múi trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; quá trình lưu thông sản phẩm trên thị trường vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thương lái...
Hỗ trợ trái cây có múi vào chợ đầu mối
Theo Sở Công thương, thời gian qua công tác xúc tiến thương mại trong nông nghiệp, đặc biệt là trái cây có múi, được đơn vị đẩy mạnh thực hiện. Cụ thể, đơn vị thường xuyên vận động, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, trang trại và cá nhân sản xuất nông nghiệp trong tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm, phiên chợ nông sản an toàn trong và ngoài tỉnh, như Hội chợ nông nghiệp quốc tế - Agroviet tại TP.Hồ Chí Minh, Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín”, phiên chợ nông sản an toàn… nhằm quảng bá các sản phẩm nông nghiệp an toàn của tỉnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, để trái cây có múi trong tỉnh có nơi tiêu thụ ổn định, tỉnh Bình Dương tăng cường hỗ trợ các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm tại các chợ đầu mối, vì tại đây lượng hàng tiêu thụ lớn. Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị cho Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2018, ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, khẳng định chất lượng trái cây có múi trồng ở Bình Dương không thua kém so với vùng lân cận, thậm chí còn được khách hàng đánh giá cao hơn trên thị trường.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, tới đây đơn vị sẽ làm việc với lãnh đạo 3 chợ đầu mối và các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố để hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho trái cây có múi của Bình Dương. Đây là tín hiệu đáng mừng cho sản phẩm trái cây có múi trong tỉnh. Tuy vậy, ngành chức năng khuyến cáo các công ty, HTX, hộ gia đình trồng cây có múi trên địa bàn tỉnh cần chú ý đến vấn đề bảo đảm chất lượng trái cây, sản xuất theo quy hoạch nhằm cân bằng cung - cầu, tuân thủ theo chuỗi cung ứng mà thị trường quy định, tránh xảy ra tình trạng thừa nguồn cung như một số sản phẩm tại các địa phương khác.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới sở đề xuất với các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ, xúc tiến việc hình thành các tổ hợp tác, HTX sản xuất rau, quả an toàn; tổ chức sản xuất theo hướng chuỗi liên kết; đặc biệt là xây dựng một số cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi khép kín. Sở cũng sẽ phối hợp các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản, nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của nhà sản xuất đến khách hàng.
TIỂU MY