Cần nhiều hơn “đại học tốt nhất toàn cầu”
Tuần san Times Higher Education (THE) vừa chính thức công bố bảng xếp hạng đại học tốt nhất toàn cầu. Đây là bảng xếp hạng rất có uy tín được THE công bố thường niên và lần đầu tiên Việt Nam có 3 cơ sở đại học có tên trong bảng xếp hạng, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ở bảng xếp hạng lần này, Đại học Quốc gia Hà Nội và trường Đại học Bách khoa Hà Nội được xếp trong nhóm 801 - 1.000 đại học tốt nhất, còn Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh trong nhóm 1.000+.
Mặc dù không ở vào nhóm có thứ hạng cao nhưng với việc có tên trong bảng xếp hạng lần đầu tiên cũng cho thấy chất lượng về nhiều mặt ở 3 cơ sở đại học của Việt Nam được khẳng định.
Những chỉ số để xếp hạng ngoài những nội dung do các cơ sở đại học tự kê khai như số lượng sinh viên, giảng viên, nguồn thu từ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, số sinh viên quốc tế đang học tập tại trường còn có những chỉ số do THE tự tìm hiểu, đánh giá độc lập như số lượt trích dẫn/công trình khoa học được công bố (chiếm 30%), đánh giá của các nhà khoa học về uy tín, chất lượng trong nghiên cứu (chiếm 18%) và trong giảng dạy (chiếm 15%). Và, với cách đánh giá khách quan, khoa học của THE, những đại học có tên trong bảng xếp hạng đều được thế giới thừa nhận một cách nghiêm túc về chất lượng.
Vui với thông tin vừa được công bố nhưng phải thừa nhận con số 3 cơ sở đại học của Việt Nam được xếp hạng là quá ít nếu so với số lượng trường đại học trong cả nước. Trên toàn quốc, ngoài các thành phố như Hà Nội, TP.Hồ chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Vinh… là những “cái nôi” của đại học, mỗi thành phố quy tụ rất nhiều trường từ mấy chục năm về trước, hiện tại ở hầu khắp các địa phương đều có rất nhiều trường đại học đang hoạt động. Ở mỗi mùa tuyển sinh, các trường đại học trong toàn quốc cạnh tranh khốc liệt về nhu cầu sinh viên. Hầu như trường nào cũng tung ra những lời mời gọi hấp hẫn xoay quanh mỹ từ “chất lượng cao”, nhưng thước đo chất lượng thì rất khó đong đếm.
Một số chuyên gia trong ngành giáo dục nhận định rằng, mỗi một bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế có những cách đánh giá khác nhau. Và, không thể khẳng định cơ sở đại học được xếp hạng là chất lượng hơn những cơ sở chưa được xếp hạng. Nhưng các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên là các cơ sở đại học hãy tự tin vào chất lượng của mình để tham gia xếp hạng. Có thể còn nhiều chỉ số mà cơ sở đại học chưa bảo đảm nên chưa thể lọt vào bảng xếp hạng, nhưng tham gia rồi sẽ biết mình đang đứng ở đâu, còn thiếu, yếu chỉ số nào để khắc phục, vươn lên.
Các quốc gia như Mỹ, Nhật, Anh có hàng trăm trường đại học lọt vào bảng xếp hạng của THE. Giáo dục đại học của Việt Nam chưa thể so sánh với các quốc gia phát triển này, nhưng cần phải vươn tới số lượng nhiều hơn các cơ sở đại học tốt nhất toàn cầu để tự tin hội nhập sâu rộng vào nền giáo dục thế giới.
TRIỆU PHONG