Cần nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả

Thứ hai, ngày 02/08/2021

(BDO)  Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm, làm việc và kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại Bình Dương mới đây. Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm mô hình vận hành tự động hóa của Nhà máy Sữa Mega thuộc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát), đánh giá cao về tính hiệu quả của mô hình kinh tế tuần hoàn này, khuyến khích các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp nhân rộng.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác Trung ương tham quan dây chuyền tự động hóa tại Nhà máy Sữa Mega của Công ty Vinamilk

 Vòng tuần hoàn xanh

Mô hình kinh tế “vòng tuần hoàn xanh” là một khái niệm mới được các chuyên gia kinh tế nói về quy trình phát triển các trang trại chăn nuôi, chiết xuất và chế biến các sản phẩm từ sữa bò bằng dây chuyền ứng dụng khoa học, công nghệ thân thiện với môi trường. Mô hình này đã được khá nhiều doanh nghiệp về sữa ứng dụng, tuy nhiên thành công nhất phải kể đến những trang trại, nhà máy chế biến của Công ty Vinamilk.

Theo đó, Vinamilk đã ứng dụng khá nhuần nhuyễn, thuần thục quy trình chăn nuôi, chiết xuất, chế biến các sản phẩm sữa theo tiêu chuẩn quốc tế (Global GAP) và tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu (EU Organic). Trong các trang trại bò sữa của mình, doanh nghiệp này đã thực hiện quy trình chăn nuôi khép kín: Từ làm đất, trồng cỏ, chăm sóc bò đến xử lý chất thải để tạo “vòng tuần hoàn xanh”. Thông qua công nghệ biogas, Vinamilk cũng xử lý một cách triệt để chất thải của bò, từ đó chuyển đổi thành phân vi sinh tiếp tục bón cho đồng cỏ, cải tạo đất, phần khí metan thu được từ các hầm biogas được dùng để đun nước nóng dùng cho hoạt động của trang trại. Việc tái tạo và tái sử dụng năng lượng vừa mang lại hiệu quả về kinh tế, vừa giảm thiểu đáng kể lượng phát thải khí nhà kính CO2.

Cùng với việc xây dựng quy trình chăn nuôi, chiết xuất sữa khép kín, tuần hoàn, hiện đại, Vinamilk cũng đầu tư nhà máy chế biến sữa lớn nhất Việt Nam- Nhà máy Mega - tại Khu công nghiệp Mỹ Phước (TX.Bến Cát) ứng dụng dây chuyền tự động hóa trong công nghệ xử lý và sản xuất các sản phẩm từ sữa. Đầu tư lên đến 3.600 tỷ đồng, sau 4 năm hoạt động, Vinamilk đã thu hồi toàn bộ vốn đầu tư với mức lợi nhuận trước thuế của nhà máy từ lúc đi vào hoạt động đến hết năm 2020 ước đạt khoảng 13.000 tỷ đồng. Thông qua dây chuyền hiện đại được đầu tư một cách quy mô, đồng bộ, Vinamilk đã thật sự tạo ra một mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, tạo ra những thành phẩm có giá trị kinh tế cao, được thị trường trong nước và quốc tế chào đón nồng nhiệt.

Cần nhân rộng

Phát biểu trong chuyến thăm, làm việc tại Nhà máy Sữa Mega của Công ty Vinamilk, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương có phương án khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển dây chuyền hiện đại để nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt là những doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn có sự kết nối, ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, sự phát triển của các doanh nghiệp tuần hoàn kinh tế nông nghiệp - công nghiệp - thị trường sẽ là tiền đề giúp thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Đối với những địa phương xây dựng các mô hình kinh tế khu, cụm công nghiệp tập trung như Bình Dương, mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp gia tăng giá trị nông sản, mà còn giúp địa phương giải quyết nguy cơ từ hiệu ứng nhà kính đang rình rập. Nếu đặt các nông trại chăn nuôi, sản xuất và các nhà máy chế biến vào đúng quy trình chăn nuôi, chiết xuất, chế biến theo “vòng tuần hoàn xanh”, lượng rác thải, khí thải sản sinh hàng ngày sẽ giảm xuống đáng kể. Đây là một bài toán vừa mang lại tính hiệu quả về kinh tế, đồng thời cũng là giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu mà các quốc gia phát triển đang áp dụng.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, để nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, trước hết các địa phương cần nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân về kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, tiến hành xây dựng chiến lược truyền thông về mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, bao gồm: Vai trò, lợi ích, bản chất, nội dung, tiêu chí đến cách thức thực hiện... Đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn nông nghiệp, chương trình khuyến nông để người nông dân nắm và có hướng triển khai hiệu quả.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần khuyến khích, hỗ trợ và tạo động lực để các doanh nghiệp, người nông dân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn. Cụ thể là hỗ trợ về vốn, công nghệ, thị trường; hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp tạo chuỗi giá trị theo từng chu trình: Sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tái chế. Nhân rộng các mô hình sản xuất sử dụng phế phẩm nông nghiệp; khuyến khích mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao...

 Để nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, ngoài việc giúp các doanh nghiệp, người nông dân tiếp cận với công nghệ và vốn, ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng cần có phương án hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động nghiên cứu, triển khai công nghệ xử lý phụ, phế phẩm trong nông nghiệp. Xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Trong đó, vai trò quan trọng nhất của các đơn vị quản lý nhà nước là kiến tạo, xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, ổn định, thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, các tổ chức ngành nghề, người dân tham gia.

 ĐÌNH THẮNG