Cần nhân rộng chương trình phân loại rác thải tại nguồn

Thứ sáu, ngày 07/01/2022

(BDO) Tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị của Bình Dương cao, kéo theo tỷ lệ tăng dân số cơ học cũng như khối lượng chất thải trong sản xuất, sinh hoạt ngày càng gia tăng nhanh. Từ lâu chất thải rắn sinh hoạt là những thách thức cho môi trường, cho quá trình phát triển bền vững. Việc phân loại rác thải tại nguồn đang là vấn đề rất được quan tâm, nếu việc xử lý, tái chế nguồn chất thải một cách triệt để vừa tiết kiệm ngân sách, vừa giảm đi các tác động liên quan đến môi trường.

 Thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn hiệu quả sẽ góp phần giảm chi phí xử lý, bảo vệ tốt môi trường. Trong ảnh: Rác thải trên địa bàn được thu gom, xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương

 Bảo vệ môi trường

Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase), Giám đốc Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương, cho biết quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các khu dân cư - đô thị ngày càng phát triển đem lại nhiều giá trị về kinh tế - xã hội. Song, đi cùng là vấn đề môi trường đang cần hướng giải quyết phù hợp nhằm hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững. Hiện toàn tỉnh có khoảng 2,6 triệu người, ước tính mỗi ngày có khoảng 2.200 tấn rác thải sinh hoạt các loại. Riêng Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương hiện đã đi vào hoạt động 3 dây chuyền sản xuất phân compost từ rác thải với tổng công suất 1.680 tấn/ngày, đáp ứng cơ bản nhu cầu xử lý chất thải hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Theo phân tích, thành phần chất thải phát sinh có tỷ lệ hữu cơ cao, đây là nguồn nguyên liệu phù hợp sản xuất phân compost. Ngoài ra, còn có các thành phần có khả năng tái chế khác, như: Giấy, nhựa, nylon, kim loại… “Chất thải nếu được phân loại và tái chế không chỉ giúp giảm chi phí xử lý mà còn tiết kiệm nhiều tài nguyên và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Vì vậy, phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn là cần thiết và cấp bách hiện nay. Thực tế chất thải từ các hộ dân đều được bỏ chung gây khó khăn trong công tác xử lý, tái chế, ảnh hưởng đến môi trường”, ông Hùng chia sẻ.

Hiện Biwase phối hợp cùng các địa phương thực hiện chương trình thí điểm phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Tập trung hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng phục vụ công tác thu gom, kiện toàn hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Toàn bộ chất thải sinh hoạt sau khi thu gom đều được vận chuyển về xử lý tại Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương.

Lợi ích kép

Lợi ích của phân loại chất thải tại nguồn có tác động tích cực mang lại “lợi ích kép” vừa bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Ông Hùng cho biết chất thải sinh hoạt bao gồm nhiều thành phần riêng biệt, trong đó có khoảng 10 - 12 thành phần có khả năng tái sinh với giá trị kinh tế và môi trường cao. Bên cạnh tiết kiệm chi phí, tiết kiệm đất chôn lấp còn sử dụng chất thải hữu cơ dễ phân hủy làm nguyên liệu sản xuất phân compost.

Theo tính toán, nếu thực hiện phân loại tại nguồn lượng chất thải phải chôn lấp giảm hơn 55%. Vì nhiều nguyên nhân, đến nay đề án phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh vẫn đang được một số địa phương thực hiện thí điểm. Cần thống nhất được cơ chế, chính sách cũng như các chế tài liên quan để sớm triển khai rộng khắp trên toàn địa bàn tỉnh.

Theo nhận định của các chuyên gia, đề án khi đi vào cuộc sống sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao ý thức cho người dân, tránh việc vứt rác bừa bãi, vứt rác xuống lòng sông, hồ tránh ách tắc dòng chảy, hạn chế tình trạng phát sinh các nguồn bệnh và tăng vẻ mỹ quan đô thị. Hàng năm, Bình Dương đang phải chi trả một số tiền lớn cho công tác quản lý đô thị, trong đó có quản lý chất thải. Việc phân loại chất thải tại nguồn sẽ góp phần giảm chi phí xử lý, đồng thời bảo vệ môi trường sống trong sạch, an toàn cho cộng đồng dân cư.

 Hiện chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đều được tập kết về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương để xử lý. Tại đây các loại chất thải được phân loại trên các băng chuyền để tách các thành phần có thể tái chế, sản xuất phân compost, phát điện hoặc tiêu hủy. Dây chuyền công nghệ xử lý chất thải bằng phương pháp ủ phân compost đang được chú trọng, được xem là phương pháp xử lý chất thải hiệu quả và ít tốn kém hiện nay. Theo kế hoạch đề xuất, hệ thống phân loại chất thải tại nguồn bao gồm các tuyến thu gom, vận chuyển tại các hộ gia đình, công ty, cơ quan, trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ theo điều kiện dân cư, xã hội của từng huyện, thị, thành phố.

 MINH DUY