Cần “nặng tay” với nạn “chặt chém” du khách
Chưa bao giờ dư luận lại bức xúc với nạn “chặt chém” du khách và cả những hành vi xấu xí của một bộ phận từ người bán hàng rong, đến người chạy xe ôm, từ người chạy xích lô cho đến chủ quán ăn, nhà hàng… trong mùa cao điểm du lịch như hiện nay. Cách đây không lâu, chúng ta vẫn còn nhớ mấy vụ việc nổi cộm: Tại Khánh Hòa, “con cua 1,2kg luộc xong còn 0,42kg”; tại Hà Nội, hai vợ chồng Việt kiều nọ cho biết ăn hai tô phở phải cắn răng thanh toán 800.000 đồng, hay tại như ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) mới đây dư luận xôn xao với hóa đơn con gà giá 600.000 đồng.
(BDO)
Ai cũng biết, việc “chặt chém” du khách đã làm ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam và làm xấu hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế. Thế nhưng tệ nạn đó vẫn cứ mãi tồn tại, chưa thể dẹp bỏ được. Chính Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã thốt lên rằng, việc khách du lịch bị “chặt chém”, nạn ép giá tại các khu du lịch, điều này chẳng khác gì ăn cắp, cướp giật của người khác.
Và trước thực trạng đó, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt những cơ sở kinh doanh du lịch cố tình không niêm yết giá công khai để bắt chẹt du khách. Tuy nhiên, không phải đợi đến bây giờ ngành du lịch Việt Nam và các địa phương mới nhắc nhở hoặc nghiêm khắc với nạn “chặt chém” nói riêng mà còn cả những tồn tại khác của ngành du lịch. Cũng giống như trị bệnh mà thuốc chưa đủ liều nên bệnh cũ lại tái phát là điều tất nhiên! Gần đây, tỉnh Quảng Bình, nơi du lịch đang phát triển khá nhanh với điểm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng nổi tiếng đang thu hút lượng du khách tăng đột biến đã có những biện pháp cứng rắn để xử lý các vi phạm về kinh doanh du lịch. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Công an tỉnh khẩn trương chỉ đạo các đơn vị, phòng ban chuyên môn bố trí lực lượng, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng các đối tượng đe dọa, chặt chém, đeo bám, chèo kéo du khách… làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của địa phương.
Từ quyết tâm, cách làm của tỉnh Quảng Bình, thiết nghĩ chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp để chấm dứt những tồn tại lâu nay trong ngành du lịch. Đó là cần tăng mức xử phạt lên gấp nhiều lần số tiền “chặt chém” và rút giấy phép kinh doanh, thậm chí cấm hành nghề vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng; địa phương nào để xảy ra vấn nạn, thì người đứng đầu chính quyền địa phương và trưởng công an phải chịu trách nhiệm chính; bắt buộc phải niêm yết giá, cam kết chất lượng; chính quyền và công an lập đường dây nóng giải quyết vấn nạn đồng thời có chính sách khuyến khích, khen thưởng du khách cũng như người dân đấu tranh với các vấn nạn. Chỉ có những biện pháp căn cơ, “nặng tay” thì mới mong dẹp được những hành vi làm ảnh hưởng đến ngành du lịch vốn đã tồn tại quá lâu.
NHẬT HUY