Cần nâng cao chất lượng xây dựng các dự án luật...
(BDO) Từ ngày 8 đến 10-8-2016, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV với cử tri trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Tại buổi tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh có nhận được ý kiến, kiến nghị của cử tri với nội dung như sau: “Cử tri Hứa Văn Sang (số 2, đường Đỗ Hữu Vị, khu phố Chợ, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An) và một số cử tri trên địa bàn tỉnh phản ánh việc Quốc hội phải lùi hiệu lực thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và một số luật có liên quan. Cử tri kiến nghị Quốc hội khóa XIV cần phải nghiêm túc, cẩn trọng, khoa học trong công tác lập pháp và lắng nghe các ý kiến phản biện để các luật được ban hành có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tế xã hội; không để xảy ra tình trạng luật được Quốc hội thông qua, chưa có hiệu lực thi hành đã phải sửa đổi, lùi hiệu lực thi hành... Bên cạnh đó, các thông tin báo chí phản ánh cũng như Chính phủ gần đây đã thừa nhận là còn nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật chậm được hoàn thiện và ban hành trong khi luật đã có hiệu lực thi hành. Do đó, cử tri tiếp tục kiến nghị các ngành chức năng cần phải bảo đảm các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật được hoàn thiện và ban hành cùng thời điểm luật có hiệu lực thi hành”.
Nội dung ý kiến, kiến nghị của cử tri được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trả lời tại văn bản số 434/UBPL14 ngày 24-3-2017 như sau:
Ủy ban Pháp luật tán thành với ý kiến của cử tri về việc cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình xây dựng luật nhằm nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tránh để xảy ra sai sót như đã có trường hợp xảy ra. Trong thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới cả trong công tác chỉ đạo, điều hành và cả trong các quy trình thủ tục hoạt động tại kỳ họp Quốc hội để nâng cao chất lượng công tác lập pháp. Các dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua đã được chuẩn bị trên cơ sở ý kiến đóng góp của các vị ĐBQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia và ý kiến nhân dân theo hướng quy định cụ thể tối đa để bảo đảm có thể thi hành được ngay, từng bước hạn chế việc giao cho Chính phủ, các bộ, ngành quy định chi tiết.
Bên cạnh đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH cũng tăng cường hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành kịp thời để có hiệu lực thi hành cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, đã làm cho pháp luật chậm đi vào cuộc sống. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Quốc hội sẽ tập trung giám sát việc này.
Về vấn đề tổ chức bộ phận chuyên trách xây dựng luật; tổ chức tốt việc phản biện và lấy ý kiến nhân dân. Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình xây dựng dự án luật, trong đó Ban soạn thảo được thành lập với đầy đủ thành phần gồm đại diện cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực chịu sự điều chỉnh của dự thảo văn bản. Ban soạn thảo có trách nhiệm dự thảo văn bản, tổ chức việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân là các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản (còn tiếp)