Cần một mối quan hệ lao động hài hòa
Tiền lương, năng suất lao động và tầm quan trọng của Công đoàn là những nhân tố chính trong xây dựng quan hệ lao động
Làm thế nào để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa cũng như đạt được mức lương đủ sống cho người lao động là vấn đề đã được trao đổi tại hội thảo bàn về báo cáo của Tổ chức Oxfam nhan đề “Quyền lao động ở các chuỗi cung ứng của Unilever: Từ tuân thủ pháp luật tới thực tiễn áp dụng tốt”, ngày 9-4, tại Hà Nội.
Các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến, vấn đề thiết thực tại hội thảoLương đủ sống
Hội thảo đã chia sẻ và thảo luận kết quả nghiên cứu về quyền lao động trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam, được thực hiện với sự hợp tác của Công ty Unilever trong năm 2011.
Nhận thức được sự cần thiết phải có nhiều hơn hành động thực tiễn, sự sẵn sàng tiếp nhận những gợi ý thay đổi trong Hiệp định khung của Liên Hiệp Quốc về kinh doanh và quyền con người và làm thế nào để một tập đoàn đa quốc gia có thể cải thiện hơn nữa tiêu chuẩn lao động cho đội ngũ nhân viên và công nhân của mình, Unilever đã đồng ý với đề nghị của Oxfam để được thực hiện nghiên cứu này ở chuỗi cung ứng của mình.
Ở Việt Nam, Unilever có khoảng 1.500 lao động trực tiếp, sản xuất các mặt hàng thuộc ngành hàng chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình, thực phẩm và các chuỗi cung ứng lớn. Công ty đã cung cấp cho Oxfam quyền tiếp cận không hạn chế với toàn bộ nhân viên, bộ máy hoạt động, cơ sở dữ liệu và các nhà cung cấp của Unilever ở Việt Nam, giúp Oxfam vượt qua được một trong những thử thách lớn nhất đối với các tổ chức phi chính phủ khi thực hiện nghiên cứu trong lĩnh vực này, đó là khả năng tiếp cận sâu rộng với đối tượng nghiên cứu. Điều này đã giúp Oxfam đánh giá được các tiêu chuẩn lao động dựa trên tiêu chuẩn toàn cầu và cả trong bối cảnh điều kiện ở địa phương. Nghiên cứu đã tập trung vào các vấn đề quan trọng đối với người lao động mà các doanh nghiệp vốn rất khó đánh giá và quản lý là: Quyền thương lượng tập thể, lương đủ sống, giờ làm việc và lao động thời vụ.
Chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của hội thảo là vấn đề lương đủ sống (Living Wage), trong đó có các câu hỏi về cơ sở khoa học trong việc xác định mức lương đủ sống và việc áp dụng mức lương này trên thực tế tại các quốc gia khác cũng như yếu tố năng suất lao động trong mức lương đủ sống. Đây là một yếu tố quan trọng xác định mức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực, nhất là trong bối cảnh hiện nay mức lương tại Việt Nam đã tăng nhanh hơn so với mức tăng năng suất lao động, theo kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy.
Vai trò của Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng như tác động của việc áp dụng mức lương đủ sống được thảo luận vì vấn đề này có thể dẫn tới thâm hụt ngân sách, lạm phát, giảm công ăn việc làm vốn là những vấn đề vĩ mô rất nan giải, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới như hiện nay.
Một vấn đề khác cũng được đưa ra thảo luận là tầm quan trọng của Công đoàn, vai trò độc lập của Công đoàn và sự tham gia tích cực của người lao động trong tổ chức Công đoàn nhằm đạt được mối quan hệ lao động hài hòa, trong đó người lao động, chủ doanh nghiệp và Nhà nước đều có lợi.
Môi trường pháp lý và hệ thống các quy định pháp lý là một yếu tố rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc xây dựng và thực thi quyền của người lao động. Hội thảo cũng ghi nhận những điển hình tốt phù hợp với những định hướng chính sách cần được nhân rộng và phát huy nhằm thực hiện mạnh mẽ và tốt hơn quyền lao động.
Lương phải gắn với năng suất lao động
Tại hội thảo, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá Unilever là một tập đoàn đã có những chính sách tốt trong việc đem lại lợi ích cho người lao động và đã xây dựng được một hình ảnh đẹp về doanh nghiệp khi đến Việt Nam đầu tư kể từ năm 1995. Đối với nghiên cứu của Oxfam, ông Lợi cho rằng đã gợi mở nhiều vấn đề và bài học quý báu trong hoạch định chính sách. Tuy nhiên, mức lương đủ sống mà Oxfam đưa ra (5,42 triệu đồng/tháng) là quá cao, thậm chí cao hơn rất nhiều so với mức sàn chung của khu vực châu Á hiện nay (4 triệu đồng/tháng).
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), khẳng định tiền lương của người lao động được trả gắn với năng suất lao động. Và mức lương Unilever đang trả cho người lao động là mức lương tốt (cao hơn gấp 2 lần mức lương tối thiểu đối với lao động giản đơn và cao gấp 3 lần đối với lao động có kỹ năng tại thời điểm được điều tra vào tháng 7-2011). “Lương sẽ tăng khi năng suất lao động tăng và ngược lại. Phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động” - bà Hương nhìn nhận.
Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho rằng mức lương đủ sống ở các khu vực khác nhau, doanh nghiệp khác nhau sẽ khác nhau. Và mức lương đặt trong mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và doanh nghiệp trên cơ sở bình đẳng và cùng chia sẻ lợi ích.
Theo NLĐ