Cần một hiệp hội nông nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ
Thời gian qua, tỉnh Bình Dương rất quan tâm và khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Gần đây nhất nhất, ngày 17-2-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 04).
(BDO)
Hoạt động tại Công ty TNHH rau sạch gia đình (phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: Q.NHIÊN
Theo đó, Quyết định 04 áp dụng đối với các doanh nghiệp (DN), tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân, các trung tâm, viện, trường, trạm, trại nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các phương án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường; phù hợp với quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, thủy sản tỉnh và mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo xu hướng chung, thời gian qua nhiều mô hình DN nông nghiệp, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp cùng với các dự án đầu tư cho sản xuất, chế biến nông nghiệp theo hướng công nghệ cao ra đời đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời làm thay đổi bộ mặt nông thôn tỉnh Bình Dương. Hiện nay, đa số DN hoạt động lĩnh vực nông nghiệp trong tỉnh có quy mô vừa và nhỏ; quy mô sản xuất của các DN nông nghiệp còn nhỏ so với nhu cầu thực tế tại địa phương.
Lãnh đạo nhiều DN nông nghiệp nhỏ cho rằng, dù tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, các ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ về kỹ thuật song rất khó để họ tiếp cận được các nguồn vốn vay theo Quyết định 04, hoặc có thể tiếp cận nhưng phần giải ngân rất ít so với nhu cầu thực tế của DN. Bên cạnh đó, các DN nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển sản xuất, kinh doanh và tiếp cận thị trường… Lãnh đạo một DN chuyên sản xuất rau quả ở huyện Phú Giáo cho biết, DN có quy mô nhỏ nên khi mới đi vào hoạt động đã cố gắng xoay sở vốn, bước đầu đã thành công từ các mô hình công nghệ cao. Tuy vậy, giá sản phẩm cao do đầu tư nhỏ lẻ nên công ty gặp nhiều khó khăn về khâu phát triển thị trường vì thiếu và yếu kinh nghiệm, đặc biệt là khâu kiểm nghiệm chất lượng. Muốn kiểm định chất lượng, ông phải phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 tại TP.Hồ Chí Minh…
Hiện lãnh đạo các DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mong muốn là các ngành chức năng tạo điều kiện, linh hoạt hỗ trợ DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, công nghệ cao để phát triển bền vững. Cụ thể là ngành chức năng cần kết nối với các DN đầu tàu của tỉnh nhằm tăng cường liên kết, tìm kiếm đầu ra sản phẩm, hỗ trợ khoa học - kỹ thuật…
Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh nhà luôn quan tâm, tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ cao nhất để các DN được thuận lợi trong quá trình sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao. Các DN nông nghiệp nên chủ động liên hệ trực tiếp với sở và các đơn vị liên quan để được tư vấn, hỗ trợ.
Ông Bình cũng tán thành việc thành lập các hiệp hội trong ngành nông nghiệp và cho rằng kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của nhiều nước cho thấy, hiệp hội ngành hàng là thể chế thị trường cần thiết cho các DN, song vấn đề là ai sẽ là người chịu trách nhiệm đứng đầu hiệp hội này? Trong thời tới, sở sẽ phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu phương thức thành lập, tham mưu về các quy trình hoạt động của hiệp hội và mong muốn các DN nông nghiệp lớn trong tỉnh có động thái tự nguyện hỗ trợ để ngành nông nghiệp và các DN nông nghiệp nhỏ phát triển bền vững.
TIỂU MY