Cần một “cái kết có hậu” về mức lương tối thiểu của người lao động!
Cùng với chuyện thời gian làm thêm của người lao động (NLĐ), độ tuổi nghỉ hưu của lao động (LĐ) nữ thì quy định về chế độ tiền lương và mức lương tối thiểu của NLĐ là một trong những vấn đề thời sự nóng được các đại biểu Quốc hội (QH) sôi nổi bàn luận tại nghị trường ở buổi thảo luận đóng góp dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) (sửa đổi) trong tuần lễ đầu tiên của kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII mới đây. Theo đó, mức lương tối thiểu được xác định căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội, mức tiền lương trên thị trường LĐ. Mức lương tối thiểu được xác lập theo giờ, theo vùng và theo ngành...
Tại buổi thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo BLLĐ (sửa đổi) trong ngày 23-5, nhiều đại biểu QH đã cho biết trong thời gian qua tại nhiều địa phương đã xảy ra các vụ đình, lãn công mà hầu hết nguyên nhân của nó đều có liên quan đến quy định thang, bảng lương của các doanh nghiệp (DN)... vì vậy đề nghị BLLĐ phải bổ sung thêm quy định buộc cơ quan quản lý LĐ phải thẩm tra về tính đúng đắn, tính hợp pháp của thang bảng lương của các DN. Song song đó, cần phải quy định chế độ tiền thưởng, nhất là tiền thưởng cuối năm dành cho NLĐ, bởi từ trước đến giờ theo thông lệ cứ một năm sau khi làm việc, NLĐ được thưởng một tháng lương (tháng lương thứ 13), nhưng nếu luật không quy định thì các DN, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại chuyển giá nên năm nào họ cũng báo lỗ rồi thưởng cho NLĐ rất ít nên NLĐ bị thiệt thòi, do đó đề nghị phải đưa vào luật quy định về mức thưởng này.
Điều đáng phấn khởi là trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo BLLĐ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho biết, sau khi chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, dự thảo BLLĐ (sửa đổi) đã bổ sung các nguyên tắc đối với tiền lương tối thiểu theo tháng, tuần, ngày, giờ (được xác lập theo vùng, theo ngành) và giao cho Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thị trường, tình hình thực tiễn của từng ngành, nghề, loại công việc trong từng thời kỳ. Điều 92 của dự thảo Bộ luật cũng đã quy định nguyên tắc xác định tiền lương tối thiểu theo 2 nhóm yếu tố, đó là điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động...
Có thể nói vấn đề tiền lương của NLĐ là vấn đề mà Trung ương, các tỉnh, thành, các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm trong thời gian qua và đã đề xuất cũng như đưa vào thực hiện một số phương án nhằm cải cách chế độ tiền lương, góp phần nâng cao đời sống NLĐ và bảo đảm an sinh xã hội. Song những cải cách đó chỉ mới là giải pháp tạm thời chứ chưa thực sự căn cơ cho lâu dài, bởi thực tế đã cho thấy chỉ một thời gian ngắn thì mức lương tối thiểu của NLĐ đã lạc hậu so với tình hình lạm phát và không làm sao theo kịp mức gia tăng của giá cả thị trường nên đời sống của NLĐ lại tiếp tục gặp khó khăn. Mới đây nhất, đại biểu Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong phiên thảo luận dự thảo BLLĐ (sửa đổi) sáng 23-5 tại QH có một ý kiến phát biểu trên nghị trường đã gây chú ý cho nhiều người: khoản 1 điều 92 của dự thảo BLLĐ quy định lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, nhưng thực tế chỉ mới đáp ứng chừng 60%. Vì thế, Nhà nước cần sớm điều chỉnh mức lương tối thiểu khi chỉ số giá tiêu dùng thay đổi nhằm bảo vệ NLĐ, hài hòa được lợi ích giữa các bên trong quan hệ LĐ. Thiết nghĩ với những góp ý, đề xuất thiết thực của các đại biểu QH xoay quanh vấn đề tiền lương của NLĐ trên cơ sở những ý kiến góp ý, đề xuất của cử tri... tại kỳ họp QH lần này và việc đưa vào thực hiện BLLĐ (sửa đổi) sẽ là động thái có ý nghĩa trong việc góp phần nâng cao đời sống NLĐ thông qua việc cải cách chế độ tiền lương một cách căn cơ hơn để NLĐ có thể an tâm làm việc, LĐ, sáng tạo mà không phải ngai ngái lo chuyện phải tìm cách làm sao để tăng thêm thu nhập do tiền lương chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu cho họ. Thời gian qua, Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh lương tối thiểu, nhiều phương án cũng đã được đề ra trong lộ trình thực hiện đề án cải cách tiền lương. Dù theo kịch bản nào, cái kết có hậu vẫn sẽ là lương tối thiểu phải bảo đảm được mức sống tối thiểu của NLĐ.
DÂN THƯỜNG