Cần lưu ý bối cảnh, tình hình
(BDO) Dự thảo Báo cáo chính trị(BCCT) trình bày về bối cảnh, tình hình khá cô đọng với những thuận lợi và khó khăn rất cơ bản. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn chúng ta thấy những thuận lợi, khó khăn đưa ra ở đây có “dáng dấp” là tình hình chung của cả nước, chưa thật sự là các đặc điểm dự báo tình hình thực tế của Bình Dương. Xin đề nghị xem xét ghi nhận thêm một số dự báo tình hình của Bình Dương như sau:
Các diễn biến chính trị quốc tế dẫn đến những thay đổi nhất định về địa lý kinh tế. Nhiều luồng vốn đầu tư lớn đang trong quá trình dịch chuyển địa lý đến các khu vực mới, trong đó có Việt Nam. Tỉnh Bình Dương (cùng với một số địa phương khác) còn khá nhiều dư địa về cơ hội đầu tư để đón tiếp thu hút các dòng vốn này. Đây là một thuận lợi lớn, đồng thời cũng có thể là thách thức, nhưng thuận lợi là cơ bản. Tỉnh cần ý thức về tình hình đó để chủ động mọi mặt.
Gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện, nhất là về kinh tế kỹ thuật. Làn sóng văn minh thứ ba hay còn gọi là văn minh hậu công nghiệp đã diễn ra rất mạnh mẽ từ những năm cuối thế kỷ XX. Bước sang thập niên 2010, làn sóng này đã tràn vào Việt Nam và may mắn là nó đã hiện diện ở Bình Dương (không phải địa phương nào cũng có sự hiện diện đó). Thời đại công nghiệp (phân biệt với hậu công nghiệp) đã đạt được những đỉnh cao của nhân loại về sản xuất hàng loạt và tạo ra những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại. Nó đã sản sinh ra nền văn minh công nghiệp với các tiêu chí nổi bật (tiêu chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa, đồng bộ hóa, tập trung hóa và trung tâm hóa), tạo ra cho nhân loại một xã hội hoàn toàn khác với văn minh nông nghiệp trước đó. Tuy nhiên, chính nó đã khai thác vắt kiệt tài nguyên, sử dụng cạn đáy các nguồn năng lượng không tái tạo (than đá, dầu, khí), tạo ra những biến đổi có hại cho môi trường và phân hóa sâu sắc xã hội toàn cầu. Văn minh công nghiệp cũng đã tạo ra những đô thị công nghiệp mà đỉnh cao của nó là những siêu đô thị hay những vùng đô thị khổng lồ (chúng ta đang chứng kiến sự hình thành của vùng đô thị kinh tế trọng điểm phía Nam) có đặc trưng là dân số đông, mật độ cao, không gian rộng và những căn bệnh đô thị mãn tính ngày càng di căn. Nếu nhìn kỹ lại quá trình công nghiệp hóa vừa qua của Bình Dương chúng ta sẽ giật mình nhận ra hơn 70% kết cấu nội bộ đã là công nghiệp hóa tập trung của làn sóng văn minh thứ hai kiểu cũ. Rồi chúng ta lại sẽ cải tạo, chuyển biến nó trong tương lai. Nhưng trước mắt là cần quan tâm phát huy gần 30% kết cấu hậu công nghiệp của làn sóng văn minh thứ ba đang hiện diện trên địa bàn tỉnh. Vậy nên trong dự báo tình hình chúng ta không thể bỏ qua nội dung về sự lan rộng và nhanh chóng của làn sóng văn minh thứ ba, văn minh hậu công nghiệp đang tràn vào Việt Nam - Bình Dương. Nó chứa đựng nhiều thời cơ hơn là thách thức. Vì vậy, chúng ta phải chủ động để đón nhận nó.
Những nội dung mới trong các nghị quyết của Đảng và chính sách Nhà nước nhất là về công tác cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị, cùng với những thành quả trong đấu tranh phòng chống tham nhũng trong nước vừa qua… sẽ có những tác động mạnh mẽ giúp từng bước xây dựng đội ngũcán bộ Bình Dương ngày càng vững vàng, sẵn sàng đáp ứng các nhiệm vụ chiến lược của địa phương. Đó sẽ là một đội ngũcán bộ của thời kỳ mới, luôn đề cao và chấp hành luật pháp, ứng xử và hành động đúng chuẩn mực quy định với cái tâm trong sáng và trí tuệ sắc sảo. Trong họ sẽ không còn chỗcho nể nang “nghĩa tình nội bộ” hay “năng động đột phá, xé rào”… có thể dẫn đến vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng lợi ích Nhà nước. Tuy nhiên, tâm lý e ngại, sợvi phạm, khuyết điểm có thể sẽ vào “lò” nên một bộ phận cán bộ đảng viên có thể sẽ hoạt động cầm chừng, cầu an, trái với truyền thống luôn năng động sáng tạo, bứt phá của Bình Dương.
Đó sẽ là một tình hình rất thực vừa là thuận lợi vừa là thách thức nhất định. Cần lưu ý tình hình này để khơi thông nguồn lực con người, tạo sức mạnh chính trị đưa Bình Dương cất cánh. (còn tiếp)
HUỲNH NGỌC ĐÁNG