Đình Dư Khánh trước nguy cơ sạt lỡ:
Cần khẩn trương có giải pháp kịp thời
(BDO) Hơn 165 năm qua, đình Dư Khánh (KP. Dư Khánh, phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên) đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngôi đình đang có nguy cơ bị xuống cấp do tình trạng sạt lở bờ sông Đồng Nai và rạch Bà Kiên diễn ra quá nhanh.
Địa chỉ gắn liền với đời sống tinh thần của người dân
Đưa chúng tôi thăm ngôi đình, ông Đỗ Thanh Tòng, ông Từ của đình, cho biết trước sân đình hiện có nhiều cây sao đen, cây dầu cổ thụ. Đặc biệt có cây dầu hơn 160 năm. Nói về cây dầu này, ông Tòng cho biết: “Cây dầu này do hai thân cây tạo thành. Vì vậy người dân địa phương mới liên tưởng đến hình ảnh người mẹ bồng con. Từ đó, tên “cây dầu mẹ bồng con” được người dân đặt cho cây dầu này. Hiện nay cây dầu cao khoảng 50m, thân cây có đường kính khoảng 3m. Có thể nói rằng cây dầu này gắn liền với lịch sử ngôi đình cũng như quá trình phát triển của địa phương. Năm 1980, người dân địa phương xin đốn cây dầu này để làm trường học. Tuy nhiên, các trưởng lão trong Ban quý tế đình không đồng tình. Họ cho rằng cây dầu “mẹ bồng con” tượng trưng cho sự trường thọ và che nắng, che mưa cho dân làng nên làm đơn xin lãnh đạo địa phương giữ lại cây đến nay”.
Trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở khiến một phần lớn diện tích sân đình Dư Khánh cùng
nhiều cây cổ thụ bị nước cuốn trôi
Hiện nay, tình trạng sạt lở bờ sông Đồng Nai đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích đình Dư Khánh. Sạt lở đã làm một phần đáng kể diện tích đất trong khuôn viên đình trôi xuống sông. Tình trạng trên đã kéo dài trong nhiều năm qua, đặc biệt trong thời gian gần đây tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra rất phức tạp. Ông Đỗ Thanh Tòng chỉ tay về bờ sông nói: “Trước đây, tại nơi hợp lưu giữa sông Đồng Nai và rạch Bà Kiên có bãi cát rất đẹp. Cát ở đây vàng ươm và rất mịn. Người dân địa phương thường ra đây để tắm giặt. Rất tiếc là bãi lài này đã mất cách đây gần chục năm. Nguyên nhân là do tình trạng khai thác cát quá mức. Cùng với đó là tình trạng “cát tặc” lộng hành. Sau một thời gian dài, lòng sông đã trở nên sâu hun hút, kéo theo bờ sông, đoạn trước đình bị sạt lở nghiêm trọng. Đến nay, nước sông đã khoét sâu vào sân đình hơn 4m, kéo dài hàng chục mét. Nếu tình trạng trên tiếp tục tiếp diễn thì cây dầu “mẹ bồng con” có thể sẽ bị “hà bá” quật ngã”.
Cũng theo ông Tòng, tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra sẽ gây ảnh hưởng đến công trình kiến trúc đình Dư Khánh. Ông Tòng lo lắng: “Đình Dư Khánh xây dựng gần bờ sông, nơi có nền đất cát pha là chủ yếu. Nền đất này có độ kết dính thấp nên rất dễ sạt lở. Cùng với đó, lòng sông Đồng Nai ngày càng bị khoét sâu dòng chảy xiết vào mùa mưa sẽ kéo đất xuống bờ sông. Bằng chứng là bản long mã, miếu thờ trước sân đình bị xô nghiêng về phía bờ sông” .
Chia sẽ nỗi lo với ông Tòng, ông Lê Hiếu Nhân, Trưởng Ban điều hành KP.Dư Khánh, lo lắng: “Tới đây chúng tôi không biết đình Dư Khánh sẽ ra sao nếu tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra như hiện nay. Vì đình Dư Khánh được xây dựng trên mũi đất, gần nơi giao nhau giữa rạch Bà Kiên và sông Đồng Nai nên đang chịu sự xâm thực mạnh mẽ của hai dòng chảy. Ngoài ra, nhiều sà lan vận chuyển cát sỏi lưu thông qua đây tạo thành sóng nước khiến quá trình sạt lở nhanh hơn”.
Cần có giải pháp kịp thời
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên, cho biết hiện nay, trên địa bàn phường có 2 điểm có nguy cơ sạt lở cao, trong đó có điểm sạt lở từ đình Dư Khánh đến hộ bà Lê Ngọc Phương. Nguyên nhân là do tình trạng khai cát trái phép cùng với dòng chảy xiết của sông Đồng Nai và rạch Bà Kiên gây ra tình trạng sạt lở khoét sâu vào bờ.
Hiện nay, chính quyền địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn sạt lở bờ sông. Cụ thể, UBND phường phối hợp công an địa phương tăng cường công tác tuần tra, mật phục xử lý “cát tặc”. Bên cạnh đó, địa phương đã lắp đặt camera an ninh tại các điểm “nóng” khai thác cát trái phép, từ hình ảnh camera, chính quyền địa phương đã chủ động hơn trong công tác tuần tra và xử lý tin báo “cát tặc” của người dân. Sau hơn 2 tháng triển khai, mô hình camera giám sát “cát tặc” đã góp phần hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai.
Đình Dư Khánh tọa lạc tại KP.Dư Khánh, phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên. Đây là một trong những ngôi đình cổ hình thành và phát triển trên vùng đất Bình Dương bởi lớp dân cư đầu tiên đến đây sinh cơ lập nghiệp. Đình được vua Tự Đức đời thứ năm sắc phong năm Nhâm Tý (1852) đã chứng minh được ngôi đình xây dựng cách đây hơn 165 năm. Đình Dư Khánh là một di tích lịch sử - văn hóa mang đậm phong cách của một ngôi đình vùng đất Nam bộ. Hiện đình vẫn giữ được nét cổ xưa của đình làng người Việt. Đình đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, văn hóa cộng đồng của người dân địa phương qua nhiều thế hệ.
Định kỳ hàng năm, đình tổ chức 2 lệ cúng Kỳ yên vào ngày 16-2 và 16-8 (âm lịch) thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan về nguồn. Tháng 2-2016, đình Dư Khánh được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh, thành phố.
Trong khi đó ông Nguyễn Thanh Huyện, Phó phòng Văn hóa - Thông tin TX.Tân Uyên, cho biết: “Đình Dư Khánh là một trong những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị đối với đời sống tinh thần của người dân địa phương. Thời gian gần đây không gian đình Dư Khánh đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng sạt lở bờ sông Đồng Nai. Phòng đã xuống khảo sát để đánh giá mức độ ảnh hưởng. Mới đây phòng có họp với các ban ngành chức năng để bàn phương án xây dựng bờ kè tại điểm sạt lở này. Nếu bờ kè được hoàn thành thì sẽ bảo vệ được đình Dư Khánh trước tình trạng sạt lở”.
NGUYỄN HẬU