Cân gian “móc túi” người tiêu dùng: Cơ quan chức năng nói gì?
(BDO)
Trong 2 số báo trước, Báo Bình Dương đã phản ánh tình trạng một số tiểu thương vì hám lợi đã dùng cân gian để “móc túi” người tiêu dùng. P.V cũng đã thâm nhập các lò “độ” cân để tìm hiểu các chiêu độ cân. Vậy các cơ quan chức năng liên quan nói gì về tình trạng này và hướng xử lý như thế nào?\
Cân đạt chuẩn phải có tem kiểm định và có mã số trùng khớp với mã số niêm chì
Hành vi vi phạm pháp luật
Đối với tình trạng người dân sử dụng cân gian để buôn bán, ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, cho rằng: “Trong Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, hành vi này được xem là tội “Lừa dối khách hàng” được quy định tại Điều 162. Tùy theo mức độ, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tù. Tuy nhiên, trên thực tế rất khó xử lý theo quy định này vì người gian lận thường ăn gian với số tiền nhỏ, người dân dù có biết cũng không đến trình báo cơ quan chức năng vì sợ phiền phức và chỉ xem đó là một bài học kinh nghiệm cho mình”.
Ông Nguyễn Thành Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh, cho rằng: “Hiện nay, ở nước ta đã có nhiều văn bản pháp luật quy định khá chặt chẽ trong công tác quản lý các phương tiện đo lường chất lượng. Cụ thể, tại Nghị định 80/2013/NĐ- CP ngày 19-7-2013 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Từ đó, cho thấy hành vi “độ” cân của một số người dân mà báo nêu đã vi phạm tại Điều 8, mục I, chương II của nghị định này. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện việc kiểm định phương tiện đo nhóm 2 đã sửa chữa trước khi đưa vào sử dụng. Nếu người sửa chữa phương tiện đo nhóm 2 không đúng mẫu phương tiện đo được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc thay thế cấu trúc của phương tiện đo nhưng chưa làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo hoặc chưa sai lệch phương tiện đo sẽ bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Còn đối với người hành vi cố tình tác động hoặc thay thế cấu trúc của phương tiện đo làm sai lệch phương tiện đo hoặc làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm”.
“Về vi phạm của hai cửa hàng bán cân ở P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một và P.Bình Hòa, TX.Thuận An, chi cục sẽ phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT), Công an kinh tế và UBND địa phương tổ chức mật phục để bắt quả tang và xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Hiển cho biết thêm.
Người tiêu dùng cần lên tiếng...
Theo ông Nguyễn Thành Hiển, định kỳ, chi cục phối hợp với Đội QLTT huyện, thị xã; UBND các phường, xã và Ban Quản lý các chợ đi đến từng cửa hàng để kiểm định chất lượng cân. Nếu cân đạt chất lượng thì được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh dán tem chứng nhận. Qua kết quả kiểm tra cho thấy trên 90% cân của tiểu thương ở chợ đều đạt yêu cầu, sai số kỹ thuật trong mức cho phép. Bên cạnh đó, vẫn có một số trường hợp cân vượt ngưỡng sai số cho phép. Các trường hợp này chủ yếu rơi vào các tiểu thương bán thịt, cá.
Kiểm tra thực tế cũng cho thấy một số tiểu thương khi biết có đoàn kiểm tra đến liền giả vờ lấy cân đạt chuẩn ra để qua mắt, sau đó mang cân chuẩn vào rồi sử dụng cân “độ” để tiếp tục bán cho khách hàng. Hoặc trường hợp khách hàng có phản ánh, họ lấy cân chuẩn ra cân. Những trường hợp này nếu bị đoàn kiểm tra phát hiện buộc phải lập biên bản xử lý nghiêm. Ngoài ra, để tạo điều thuận lợi cho người tiêu dùng có cơ hội phát hiện các trường hợp xử dụng cân gian trong buôn bán, chi cục cũng đã trang bị cân đối chứng đặt tại các chợ và còn thuê hẳn người ghi nhật ký. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, cả tháng trời chỉ có một vài người đến cân đối chứng. Thậm chí có chợ cân đối chứng chỉ để làm “cảnh”.
Ông Hiển cho rằng đối với các trường hợp người bán hàng rong sử dụng cân gian, chi cục cũng gặp khó khăn trong công tác quản lý. “Họ kinh doanh theo hình thức “nay đây, mai đó”, nếu phát hiện có lực lượng chức năng thì họ lập tức đẩy xe đến nơi khác và tiếp tục bán tiếp. Trước mắt, để hạn chế tình trạng người bán hàng rong sử dụng cân gian, chủ yếu dựa vào UBND các phường, xã. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tiểu thương, đặc biệt là người bán hàng rong. Song song với đó, người tiêu dùng cần phải thông minh và phải biết tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân”, ông Hiển nói.
Cùng ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Bán cho rằng: “Để tránh bị cân gian, bán thiếu, người tiêu dùng nên tìm đến những nơi tin cậy để mua. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể mua một cân xách tay loại nhỏ mang theo để sử dụng khi có nghi ngờ. Nếu phát hiệu vi phạm, người tiêu dùng nên báo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý”.
Cách nhận biết cân gian
Theo ông Phan Phú Ngân, cán bộ phụ trách Phòng Đo lường chất lượng, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh, một số cách giúp người tiêu dùng phân biện cân “độ” và cân chuẩn bằng cảm quan như sau: Cân chuẩn phải còn niêm chì và niêm chì cũng không bị tác động ngoại lực. Bên hông cân phải có dán tem kiểm định có ghi rõ ngày tháng, năm hết hạn kiểm định. Tem này có giá trị trong 12 tháng. Đặc biệt lưu ý, tem kiểm định không có giá trị khi bị rách, mờ, mã số trên tem phải trùng khớp với mã số trên niêm chì. Khi mua hàng, người tiêu dùng nên chú ý kim đồng hồ có chỉ đúng vạch số 0.
Ngoài ra, một số tiểu thương còn sử dụng mâm cân không đúng thiết kế ban đầu. Mâm cân thường làm bằng vật liệu nhôm và khi để lên cân vẫn nằm ở vạch 0. Tuy nhiên, mâm cân này bị một số tiểu thương hoán đổi bằng mâm làm bằng inox hoặc sắt có khối lượng nặng hơn để ăn gian người mua. Bên cạnh đó, tiểu thương còn sử dụng thanh sắt dẹp đút vào một lỗ nằm phía sau của cân rồi chèn đầu thanh sắt vào lò xo. Sau đó, người bán dùng chân đạp thanh sắt xuống, làm lò xo nén lại, số ký sẽ tăng lên so với số ký thật. Ngược lại, người bán nẩy thanh sắt lên làm lò xo dãn ra, số ký thật sẽ bị giảm đi. Hành động gian lận này thường được các tiểu thưởng bán hàng theo kiểu ngồi chồm hổm áp dụng. Để phát hiện, người mua chỉ cần chú ý đến động tác chân của người bán.
NGUYỄN HẬU