Cần giải pháp tổng thể để đến năm 2030 không còn phòng học tạm, chưa kiên cố

Thứ sáu, ngày 25/10/2024

(BDO) Trong 10 năm qua, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đã tăng hơn 20%. Tuy nhiên, vẫn cần rất nhiều nguồn lực từ cả Nhà nước và xã hội để đạt mục tiêu xóa phòng học tạm vào năm 2030.

Phòng học tạm chờ kiên cố hóa của thầy và trò Trường Tiểu học Nghĩa Tâm, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Tính đến năm 2023, cả nước có gần 628.600 phòng học với tỷ lệ kiên cố hóa đạt 86,6%, tăng hơn 20% so với năm 2013. Đây là số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tại Hội nghị “Tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên” do bộ này tổ chức sáng nay, 25/10.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, để đạt mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%” như tại Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW được ban hành tháng 8 vừa qua, cần các giải pháp mang tính tổng thể, trong đó Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo và việc huy động các nguồn lực xã hội là hết sức quan trọng.

Huy động 33.000 tỷ đồng xã hội hóa, xây hơn 36.000 phòng học

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, hiện số phòng học chưa kiên cố hóa chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, khu vực Trung bộ và cả Tây Nam Bộ. Tỷ lệ chưa kiên cố hóa phòng học bậc mầm non và tiểu học nhiều tỉnh còn tới trên 40% như Đak Nông, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu….

“Đáng chú ý là những trường học tạm này lại nhiều nhất ở bậc học mầm non và tiểu học. Các em nhỏ tuổi nhất trong lứa tuổi đi học cần được ưu ái chăm lo và cần phải được ngồi học trong những ngôi trường chắc chắn, có tiện nghi tối thiểu. Mục tiêu trường ra trường, lớp ra lớp cần thực hiện một cách ráo riết hơn nữa,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho hay đến năm 2023, tỷ lệ kiên cố hóa ở cấp học mầm non đạt 83%, tiểu học đạt 83,2% và trung học cơ sở đạt 94,9% trong khi năm 2013 các con số này lần lượt là 47,7%, 61,6% và 80,5%. Việc hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên, học sinh có thêm điều kiện công tác, học tập tốt hơn. Đây là kết quả của sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ từ nhà nước và sự chung tay từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thông qua công tác xã hội hóa.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, chính sách xã hội hóa giáo dục đã trở thành động lực to lớn, khơi dậy tinh thần trách nhiệm cộng đồng đồng thời khuyến khích sự tham gia đóng góp từ các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Trong giai đoạn 2013-2023, trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã tham gia đầu tư, nâng cấp, xây dựng hơn 36.000 phòng học và 1.300 phòng công vụ cho giáo viên, với tổng kinh phí huy động đạt khoảng 33.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay bài học kinh nghiệm cho việc xã hội hóa là sự chủ động vào cuộc của cấp uỷ và chính quyền địa phương, việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, công tác truyền thông, sự công khai minh bạch trong quản lý nguồn lực và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Đề xuất chính sách khuyến khích xã hội hóa

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao những nỗ lực và những kết quả đạt được của ngành giáo dục sau 10 năm thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên đồng thời khẳng định cần tiếp tục chung tay, huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa toàn bộ hệt thống trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới.

Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục, trong đó chú trọng kiên cố hóa trường lớp học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học tối thiểu, tăng cường số lượng nhà công vụ cho giáo viên; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp để đầu tư và huy động đầu tư trọng tâm, trọng điểm bảo đảm khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí, tiêu cực.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân số.

Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay: “Chúng ta vẫn thường nói tới truyền thống hiếu học, và một đất nước trọng học và hiếu học cũng cần thể hiện ở những ngôi trường khang trang, đủ những thứ tối thiểu cho thầy cô tác nghiệp và học sinh học hành. Đây chưa phải là một ưu ái, ưu tiên ở bất kỳ cấp độ nào, mà là một yêu cầu tối thiểu và đương nhiên để duy trì hoạt động tối thiểu của việc dạy và học.”

Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023.

Theo Bộ trưởng, Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, đã dành nhiều chương trình, dự án, đề án, dành nhiều tiền bạc cho công việc kiên cố hóa trường học; các địa phương cũng đã rất cố gắng tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư, quy hoạch mạng lưới, tổ chức tuyên truyền, nhưng vì số trường học trong cả nước rất lớn (trên 53.000 trường học) trong khi nguồn lực hạn chế. Vì vậy, việc kiên cố hóa trường học luôn cần sự chung tay của toàn xã hội, của cộng đồng.

Khẳng định việc huy động xã hội hóa để kiên cố hóa trường, lớp học là việc lớn và lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay ông mong rằng thông qua hội nghị, sự quan tâm của xã hội với việc kiên cố hóa trường học được gia tăng và chú ý nhiều hơn, công việc hiệu quả hơn, tập trung hơn, số tổ chức, cá nhân góp sức cho giáo dục sẽ được nhân lên.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động thiện nguyện, quan tâm chia sẻ để xây trường học, tặng cho thầy trò vùng khó mang rất nhiều ý nghĩa giáo dục. “Việc kiên cố hóa trường học, xét về ý nghĩa nhiều mặt, không chỉ kiên cố hóa cho những ngôi trường, phòng học mà còn ‘kiên cố hóa’ đối với thiện tâm tốt lành và cái đẹp trong tinh thần con người,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng cũng cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng chương trình đầu tư công nhằm tới mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030, phát huy nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các dự án và nhiệm vụ khác. Bộ cũng sẽ rà soát các chính sách để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục để thu hút nhiều hơn nguồn lực xã hội cho việc này./.

Theo TTXVN