Cần giải pháp mạnh giải quyết tình trạng phân bón giả trên thị trường

Thứ sáu, ngày 02/11/2018

(BDO) Trước việc phân bón giả, kém chất lượng xuất hiện trên thị trường, gây thiệt hại kinh tế đất nước cũng như người sản xuất và trồng trọt, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan đề ra những giải pháp đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

Gây thiệt hại lớn

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, phân bón giả, kém chất lượng làm cho cây trồng chậm phát triển, năng suất giảm, gây thiệt hại cho người nông dân, ảnh hưởng đến nguồn cung ứng chất lượng của các doanh nghiệp, gây tác động tiêu cực đến chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, phân bón không đạt chất lượng hay phân bón giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh lương thực của đất nước.

Tại hội thảo với chủ đề“Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam - Nguy cơ, thách thức và giải pháp” do Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Bộ Công thương phối hợp với Báo Công thương tổ chức vừa qua tại TP.Hồ Chí Minh, vấn đề làm thế nào để ngăn chặn phân bón giả thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu. Tại hội thảo, ông Bùi Thế Chuyên, PhóChủtịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, đã đưa ra một con số đáng lưu ý về thiệt hại do phân bón giả, kém chất lượng gây ra cho ngành nông nghiệp nước ta mỗi năm là hết sức lớn: 2 - 2,5 tỷ USD.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.M

Theo ông Chuyên, việc sản xuất phân bón giả, nhái, kém chất lượng diễn ra hết sức tinh vi, với nhiều thủ đoạn, chiêu trò; họ đánh vào sự hám lợi của các đại lý, cửa hàng mà tiếp tay cho hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả và tạo cơ hội để tình trạng gian lận phát triển. Để hạn chế phân bón giả, kém chất lượng, ông Chuyên cho rằng các doanh nghiệp cần phải chủ động để bảo vệ mình bằng cách đăng ký bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ sản phẩm do mình sản xuất; liên kết chặt chẽ với hệ thống khách hàng, đại lý, tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng để xử lý tận gốc hàng gian, hàng giả.

Ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho rằng việc chống phân bón giả, kém chất lượng các doanh nghiệp đừng trông chờvào các cơ quan chức năng, mà cần tự bảo vệ mình bằng cách quản lý đến từng đại lý, từng bao phân bón. Khi doanh nghiệp quản lý đến từng bao phân bón, nếu một khu vực xuất hiện bao phân bón lạ sẽ bị doanh nghiệp phát hiện ngay.

Cần sự phối hợp chặt chẽ của các bên

Ghi nhận cho thấy, hiện nay người nông dân khó phân biệt được đâu là phân bón thật hay giả khi mua phân bón, chỉ khi bón xuống thấy cây trồng phát triển chậm hoặc không phát triển thì mới biết đã sử dụng phân bón giả. Theo kinh nghiệm của ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại Đoàn Minh Chiến (huyện Bắc Tân Uyên), trước khi mua phân bón, người nông dân, chủ trang trại nên xác định đối tác cung cấp là ai, cung cấp những mặt hàng nào và bản thân mình cần loại phân bón nào; sau đó chọn doanh nghiệp sản xuất dựa vào uy tín trên thị trường của họ.

Hiện tại, trang trại của ông Chiến hàng năm đều cho các nhà cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thử nghiệm từ 3 - 4 tháng, sau đó ông sẽ lựa chọn đối tác cũng như công ty sản xuất phân bón cho trang trại mình dựa trên tiêu chí đạt kết quả tốt nhất. Đối với bà con nông dân, vấn đề lựa chọn cách thử nghiệm này sẽ gặp khó khăn do quy mô nhỏ, cây trồng theo mùa vụ. Ông Chiến cho rằng nông dân nên chọn nhà cung ứng phân bón uy tín, có đầy đủ giấy tờ, chứng minh được xuất xứ phân bón…

Đại biện Chi cục BVTV tỉnh cho biết hiện nay, chi cục kết hợp giữa công tác tuyên truyền và công tác thanh, kiểm tra đối với việc kiểm soát phân bón và vật tư nông nghiệp. Cụ thể, từ đầu năm đến nay chi cục đã triển khai một lớp tập huấn văn bản quy phạm pháp luật mới nhất về phân bón, thuốc BVTV cho đại diện 138 cơ sở sản xuất, sang chai, đóng gói, kinh doanh phân bón thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, chi cục phối hợp với Phòng Thanh tra - Pháp chế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai văn bản quy phạm pháp luật mới về phân bón cho 48 cơ sở kinh doanh; phối hợp với Ban chỉ đạo chương trình phối hợp 133 tổ chức 9 lớp tập huấn trang bị kỹ năng, kiến thức pháp luật cho 900 cán bộ, hội viên, nông dân và cán bộ Ủy ban MTTQ cấp cơ sở về giám sát vật tư nông nghiệp.

Cùng với đó, Chi cục BVTV đã tiến hành kiểm tra 19 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh, kết quả 19 cơ sở này thực hiện tốt các điều kiện về kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Chi cục cũng phối hợp với đoàn liên ngành vật tư nông nghiệp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra 38 công ty sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh, lấy 56 mẫu phân bón và 20 mẫu thuốc BVTV tại nơi sản xuất, kinh doanh gửi phân tích chất lượng; kết quả 9 mẫu phân bón không đạt đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chánh và ra quyết định xử phạt…

Theo các chuyên gia, việc ngăn chặn phân bón giả xuất hiện trên thị trường không chỉ là trách nhiệm của ngành chức năng, mà cần có sự phối hợp của cả đơn vị sản xuất, các trang trại, nông dân. Ngoài việc các doanh nghiệp cẫn nỗ lực tự bảo vệ mình trước vấn nạn hàng giả, cơ quan chức năng cần tăng nặng hình phạt để đủ sức răn đe vấn nạn phân bón giả hiện nay.

TIỂU MY