Cần giải pháp mạnh chống lãng phí ngân sách
Trong tuần qua, Quốc hội dành khá nhiều thời gian thảo luận về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có rất nhiều việc dẫn đến tình trạng chưa tiết kiệm mà còn lãng phí trong việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong việc đầu tư xây dựng cơ bản. Những việc ấy bao gồm cả việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cả việc tổ chức thực hiện luật và các văn bản áp dụng pháp luật.
“Những việc ấy cũng diễn ra ở nhiều nơi, nhiều khâu, nhiều ngành, nhiều địa phương, nhưng trong đó bộc lộ rõ nhất, nhiều nhất là việc tăng tổng mức đầu tư của các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ” – đại biểu Phạm Văn Tấn (đoàn Nghệ An) nói.
Theo Quyết định số 171/2006/QĐ-TTg ngày 24/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ, tổng mức đầu tư ban đầu của các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2003 - 2010 là 150.668 tỷ đồng, với nhu cầu sử dụng vốn TPCP là 110.000 tỷ đồng.
Tại Báo cáo số 152/BC-CP ngày 19/10/2010 của Chính phủ, tổng mức đầu tư điều chỉnh từ các bộ, ngành, địa phương đã lên tới 570.990 tỷ đồng, trong đó nhu cầu sử dụng vốn TPCP là 530.302 tỷ đồng, nhu cầu còn lại sau năm 2010 là 315.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay, theo Báo cáo số 196/BC-CP ngày 17/5/2013 của Chính phủ, tổng mức đầu tư đã điều chỉnh lên 684.794,5 tỷ đồng. Hầu hết các dự án đều có phát sinh, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu.
Có dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư gấp nhiều lần, có những dự án không chỉ điều chỉnh về giá nhân công, vật liệu, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật,... mà còn điều chỉnh cả về quy mô của dự án.
Kết quả là tổng mức đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP đã tăng lên nhiều so với dự toán ban đầu.
Trong khi, theo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư do yếu tố giá và các yếu tố về kỹ thuật ở các dự án đầu tư.
Đối chiếu với từng dự án cụ thể, có nhiều công trình, dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng giá vượt xa so với tốc độ tăng giá CPI trong 3 năm 2010 - 2012, có dự án điều chỉnh tăng giá lên nhiều lần là không hợp lý và thực chất là tăng quy mô của dự án.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) cho rằng, vấn đề xây dựng thất thoát 20-30%, 20, 30 năm trước các đại biểu Quốc hội nói nhiều rồi. Chúng ta có thể gọi đó là một bệnh mãn tính của vấn đề đầu tư xây dựng. Muốn giải quyết việc này, không phải việc của giám sát mà chúng ta phải giải quyết bằng cách khác. Các nước đã khuyên chúng ta rồi, là phải BOT, phải tư nhân, phải xã hội hóa, chúng ta còn dùng ngân sách nhà nước thì còn việc đó, rất khó kiểm soát.
Về những nội dung vi phạm đã nêu trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quố hội, đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP HCM) kiến nghị Quốc hội giao cho Chính phủ chỉ đạo, thanh tra Chính phủ làm rõ trách nhiệm quy phạm của một số dự án đã nêu và phải có hình thức đề xuất xử lý nghiêm minh để ngăn chặn và đề cao tính thượng tôn pháp luật và kỳ họp sắp tới cần có Báo cáo kết quả khắc phục, sửa chữa cụ thể để báo cáo cho Quốc hội cũng như cho cử tri và nhân dân cả nước. Trong Báo cáo có nêu những tồn tại, hạn chế vừa qua là có phần trách nhiệm của Quốc hội. Tôi kiến nghị cũng cần làm rõ phần trách nhiệm này đến mức độ nào và giải pháp khắc phục sắp tới như thế nào.
Đồng tình với việc phải nghiêm túc hơn trong việc xử lý những sai phạm, dẫn đến tình trạng lãng phí ngân sách, đại biểu Đồng Hữu Mạo (đoàn Thừa Thiên-Huế) cho rằng: Cần làm mọi việc cụ thể hơn, tất nhiên cũng chưa phải thi hành kỷ luật gì lớn, nhưng ít nhất phải chỉ ra bộ, ngành, địa phương này sai ở đâu để từ đó rút kinh nghiệm. “Chưa cần thiết phải có "đao to búa lớn" nhưng rõ ràng nếu chúng ta nói chung quá thì không giải quyết được vấn đề và tình hình lãng phí ngày càng cao hơn nhiều hơn” – đại biểu đồng Hữu Mạo nói.
Theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nghiêm túc chỉ rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Quốc hội, Chính phủ, đến các Bộ, ngành, chính quyền các địa phương. Từ sự nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc như vậy, đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Thái Nguyên) bày tỏ tin tưởng rằng Chính phủ sẽ có biện pháp, giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh, khắc phục.
Cũng trong tuần qua, Quốc hội dành 2 ngày để thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nhiều nội dung quan trọng được các đại biểu đưa ra thảo luận như tên nước, quốc ca, vai trò lãnh đạo của Đảng, hiến định vai trò của công đoàn… Điểm nổi bật là các đại biểu nhất trí cao với việc giữ nguyên tên nước như hiện nay và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Quốc hội cũng đã dành thời gian thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội; về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp… Đặc biệt, trong tuần, dù không nằm trong chương trình làm việc chính thức nhưng các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều công sức tìm hiểu, chuẩn bị cho việc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra trong tuần tới.
(VOV)