Cần đồng bộ các giải pháp để du lịch phát triển

Thứ năm, ngày 13/04/2023

(BDO)  Tại hội nghị gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ du lịch (DVDL) trên địa bàn tỉnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức hôm qua (12-4), nhiều ý kiến tâm huyết cũng như những khó khăn trong hoạt động kinh doanh DVDL đã được đặt ra. Cùng với đó, các đại biểu đã trao đổi, bàn bạc để tìm hướng phát triển cho du lịch Bình Dương trong thời gian tới.

 Du khách trải nghiệm tại một điểm du lịch sinh thái ở xã Phú An, TX.Bến Cát

 Những tín hiệu khả quan

Theo đánh giá của Sở VHTT&DL, việc mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch vào tháng 3-2022 là hết sức cần thiết và kịp thời. Từ khi mở cửa trở lại đến nay, ngành du lịch Bình Dương ghi nhận những tín hiệu khả quan với lượng khách gia tăng, các hoạt động phục vụ khách có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Theo đó, trong năm 2022, ngành du lịch của tỉnh đón và phục vụ 1,8 triệu lượt khách, đạt 120% kế hoạch năm, so với cùng kỳ năm 2021 đạt 281,3% (trong đó khách quốc tế ước phục vụ 240.000 lượt); doanh thu du lịch đạt 1.400 tỷ đồng, đạt 116,7% kế hoạch năm, so với cùng kỳ năm 2021 đạt 280%. Riêng quý I-2023, ngành du lịch ước phục vụ khoảng 858.000 lượt khách, đạt 42,9% kế hoạch năm, tăng so với cùng kỳ năm 2022 là 128% (376.898 lượt); doanh thu ước đạt 430 tỷ đồng, đạt 26,88% kế hoạch năm, tăng 135,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Để đạt được kết quả trên, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, toàn ngành du lịch Bình Dương đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách để từng bước khôi phục và làm mới mình, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch sau đại dịch. Để mở cửa trở lại, nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn cho du khách, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các phương án phục vụ khách khác nhau, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của đơn vị, không ngừng nâng cao chất lượng, làm mới hình ảnh của DN để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Đồng hành cùng DN, Sở VHTT&DL cũng đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm hướng dẫn hỗ trợ cho DN mở lại hoạt động phục hồi phát triển, như: Tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và kế hoạch triển khai; xây dựng kế hoạch triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại DN kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá những tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành, thảo luận phương hướng mở cửa lại hoạt động du lịch và giải pháp phục hồi ngành trong thời gian tới... Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến, quảng bá và thông tin du lịch cũng được sở quan tâm, đẩy mạnh với nhiều hình thức. Từ đó đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh nhà, thu hút du khách gần xa đến với Bình Dương.

Trăn trở vì sự phát triển

Mặc dù đã có sự phục hồi, khởi sắc trở lại sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng ngành du lịch của tỉnh hiện nay vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành. Tại hội nghị gặp gỡ vừa qua, ngành chức năng và các DN kinh doanh DVDL trên địa bàn tỉnh cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra những tồn tại, hạn chế.

Theo đó, hạn chế lớn nhất hiện nay đối với ngành du lịch của tỉnh là hệ thống sản phẩm DVDL còn chưa phong phú, đa dạng để hấp dẫn khách du lịch. Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần lữ hành tổ chức sự kiện Việt Nam, khó khăn lớn nhất mà du lịch Bình Dương đang gặp phải là chưa có sản phẩm mang tính đột phá, chỉn chu. Mặt khác, một số đơn vị chưa chú tâm đưa khách ngoài tỉnh đến với Bình Dương. Vì thế, ông đề nghị Sở VHTT&DL phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh thành lập Ban khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch. “Muốn có khách phải có sản phẩm. Muốn có sản phẩm phải có khảo sát, đánh giá. Trên cơ sở đó mới hình thành nên những sản phẩm chỉn chu để đưa vào khai thác phục vụ du khách. Và muốn làm được điều đó, các DN phải gắn kết với nhau hơn, cùng nhau ký cam kết để thực hiện chương trình kích cầu du lịch, cùng chung sức thì mới phát triển...”, ông Nguyễn Viết Hùng chia sẻ.

Một số DN kinh doanh DVDL cũng cho biết, trong thời gian qua, họ đã đưa ra những sản phẩm mới để thu hút du khách, nhưng không biết vì sao “bụt nhà không thiêng”. Ông Võ Kim Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, cho hay để đáp ứng nhu cầu của du khách, thời gian gần đây, Khu du lịch Đại Nam đã mở thêm các dịch vụ mới như hướng dẫn du khách cưỡi ngựa, trải nghiệm khu nông trại làng Việt nhưng chủ yếu là khách ngoài tỉnh. Ông Thanh nói: “Chúng tôi mong Sở VHTT&DL hỗ trợ, làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo để hướng dẫn, giới thiệu những sản phẩm du lịch của tỉnh nhằm phục vụ cho các em học sinh trong tỉnh được vui chơi, trải nghiệm để giúp các DN kinh doanh DVLD khai thác thị trường du lịch trong đối tượng học sinh, góp phần gia tăng lượng khách du lịch cho tỉnh nhà”.

Cùng với những khó khăn trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách, một số DN khác cho rằng họ cũng đang gặp phải những khó khăn về đào tạo nguồn nhân lực; nguồn vốn hỗ trợ; vướng mắc về đất đai, xây dựng tại các điểm du lịch sinh thái nông thôn...

Để du lịch Bình Dương trong thời gian tới phát triển hơn, còn nhiều vấn đề đặt ra cần có sự quan tâm, phối hợp giải quyết của các cấp, các ngành chức năng liên quan. Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các đơn vị kinh doanh DVDL cần có sự đổi mới, sáng tạo trong việc tạo ra những sản phẩm mới hấp dẫn, chất lượng cũng như liên kết với nhau vì một mục tiêu chung phát triển du lịch tỉnh nhà.

 Trong năm 2022, ngành du lịch của tỉnh đón và phục vụ 1,8 triệu lượt khách, đạt 120% kế hoạch năm, so với cùng kỳ năm 2021 đạt 281,3% (trong đó khách quốc tế ước phục vụ 240.000 lượt); doanh thu du lịch đạt 1.400 tỷ đồng, đạt 116,7% kế hoạch năm, so với cùng kỳ năm 2021 đạt 280%.

 HỒNG THUẬN