Cần cù làm nên cơ nghiệp
Dám nghĩ, dám làm
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Thạnh Phước với nghề trồng hành truyền thống, tưởng chừng như ông Thơi sẽ gắn bó với cái nghề cha truyền con nối như những bạn bè đồng trang lứa khác. Nhưng với khát khao làm giàu cháy bỏng, khi lớn lên, nhận thấy sự vất vả của nghề trồng hành, chỉ đủ ăn nhưng khó làm giàu, ông Thơi luôn suy nghĩ phải tìm ra mô hình kinh tế để có thể thay đổi cuộc sống gia đình. Từ mô hình VAC, ông Thơi đã xây dựng được cơ ngơi khang trang
Năm 1990, bán mấy sào ruộng, gom góp hết số tiền đang có, ông “tậu” được chiếc máy cày và bắt đầu tìm đến vùng đất Tân Lập để làm nghề khai phá đất thuê. Biết trước những khó khăn sẽ gặp phải, ông không dám đưa vợ con lên theo mà chỉ một mình lên trước, 7 năm sau, khi đã bước đầu ổn định ông mới đón vợ con lên. Lúc này, vùng đất tại ấp 5, xã Tân Lập vẫn còn là vùng rừng chồi, dân cư thưa thớt; điện chưa có, đường sá đi lại khó khăn nhưng nhu cầu về việc cơ giới hóa trong sản xuất là rất lớn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để ông có đất “dụng võ”. Bằng sự cần cù, từ sáng tới tối ông cùng với chú “trâu sắt” cần mẫn cày ải trên những nương rẫy bất chấp nắng, mưa. Trong công việc ông lấy chữ tín làm đầu, đã nhận lời ai là phải làm cho đúng hẹn và làm có chất lượng. Chính vì vậy, qua một thời gian, khi cần phải cày ải đất, nhiều người đã nghĩ đến ông trước tiên. Cần mẫn trong lao động, tiết kiệm trong chi tiêu để định hướng cho tương lai, số tiền công trong 2 năm cày đất mướn được ông gom góp mua 1,5 ha đất. Thời điểm này, cây cao su chưa được nhiều người chú ý đến nhưng ông Thơi đã mạnh dạn đầu tư trồng cao su hết phần đất mình đang có. Đến nay, ông đã có thể khẳng định rằng hướng đầu tư trồng cao su thời điểm đó của mình là đúng đắn, cây cao su đã mang lại cho ông cuộc sống đầy đủ ngày nay.
Thành công với mô hình VAC
Với phương châm “tích tiểu thành đại”, ông dần dần tích tụ ruộng đất, từng bước xây dựng mô hình kinh tế VAC. Đến nay, ông Thơi đã có 22 ha đất trồng cao su, một trại heo với diện tích 1.500m2 đang nuôi 100 con heo nái và 700 con heo thịt, gần 1 ha mặt nước nuôi các loại cá thương phẩm có giá trị kinh tế cao. Hàng năm, sau khi trừ hết chi phí, ông Thơi có nguồn thu trên 4 tỷ đồng. Cũng từ mô hình kinh tế VAC, ông Thơi đã xây dựng được nhà cửa khang trang, con cái được học hành đầy đủ. Hiện ông đã sắm được xe hơi, mua được dàn máy cày để phục vụ cho sản xuất của gia đình. Ông Thơi chia sẻ: “Trong sản xuất nông nghiệp, nông dân cần phải cần cù, bám vườn, bám đất để xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả. Lúc đầu khi mới xây dựng mô hình, tôi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng nhờ bám sát thực tế mà giờ đây từ các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao su, phòng trừ sâu bệnh cho cao su, heo, cá tôi đều có thể làm được”.
Hiện tại mô hình kinh tế VAC của ông Thơi đang phát huy hiệu quả cao và hỗ trợ cho nhau rất tốt. Ngoài việc cho thu nhập cao, các mô hình này còn bảo đảm yếu tố môi trường. Ông Thơi đã được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Hiện nay, mỗi năm ông giải quyết việc làm thường xuyên cho 13 lao động với tiền lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Giờ đây tuy là đã có của ăn, của để và đã ở độ tuổi 50 nhưng ông vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi. Hàng ngày, ông vẫn túc trực bên trại heo, ao cá hay tự mình lái máy cày làm đất trên những lô cao su vì theo ông “tự tay mình làm là thấy ưng ý nhất”. Ông Thơi sống rất giản dị, sẵn sàng giúp đỡ những nông dân khác và ông còn là Mạnh Thường Quân tích cực đóng góp cho các phong trào tại địa phương. Hàng năm, ông Thơi hỗ trợ về cây, con giống cho các nông dân khác với số tiền trên 30 triệu đồng. Ông cho biết: “Có người khác hỏi về các kỹ thuật sản xuất tôi đều nhiệt tình giúp đỡ với mong muốn nông dân mình ai cũng thành công và làm giàu chính đáng”. Về phần mình, tuy đã là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhưng ông vẫn rất tích cực tham gia vào các buổi hội thảo, tập huấn nông nghiệp vì theo ông, đã là người sản xuất nông nghiệp cũng cần phải được nâng cao trình độ để tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế.
Là một nông dân thực thụ, ông biết được những khó khăn của cái nghề “một nắng hai sương” này, nhưng ông vẫn muốn hướng các con của mình gắn với nông nghiệp, tiếp nối công việc của ông vì nghề nông đã mang lại cho gia đình ông cuộc sống sung túc, ấm no như ngày nay.
CAO SƠN