Cần có “thuốc đặc trị” ô nhiễm tiếng ồn - Bài 1

Thứ tư, ngày 17/03/2021
 LTS: Tình trạng hát karaoke tự phát, hát karaoke bằng loa kéo trong các khu dân cư, nơi công cộng, trên các tuyến đường và cả việc mở loa di động phục vụ cho việc bán hàng của những người bán hàng rong ở các khu chợ gây ồn ào, khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt đã khiến cho người dân bức xúc. Trước thực trạng này, nhiều người cho rằng cần phải có “thuốc đặc trị” để dẹp bỏ tình trạng này, trả lại bầu không khí yên tĩnh cho mọi người.

(BDO) Bài 1: Trong “ma trận” âm thanh

 Hát karaoke bằng loa kéo di động gây ồn ào trong các khu dân cư hoặc nơi công cộng, rao bán hàng hóa bằng loa di động với âm thanh loạn xạ tại các khu chợ truyền thống đến chợ tự phát... là tình trạng “ô nhiễm tiếng ồn” mà người dân đang hết sức bức xúc, mong muốn sớm được dẹp bỏ. Đó là điều chúng tôi đã ghi nhận được từ thực tế tại các khu chợ và qua phản ánh của người dân tại các địa phương.

 Nhiều người bán hàng rong phát loa liên tục để thu hút khách đến mua hàng

 Loạn xạ tiếng rao bán hàng

Hơn 7 giờ sáng, con đường dẫn vào chợ Bình Điềm trên địa bàn phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một khá đông người mua bán. Từ hàng rau, hàng hoa đến hàng cá, hàng tôm, quần áo các kiểu... ai cũng tranh thủ bày hàng ra ngoài đường để giới thiệu với khách mua. Để lôi kéo khách, nhiều người còn sắm thêm một cái loa di động cầm tay, thu âm món hàng mình bán với số lượng, giá cả cụ thể để phát cho “ai đến chợ cũng nghe”. Những câu rao cứ lặp đi lặp lại một nội dung, được mở liên tục xen lẫn vào nhau chát chúa thật khó nghe, nhốn nháo cả góc chợ. Trên những chiếc xe ba gác, nào “rau 1 bó 5 ngàn, 10 ngàn ba bó”, “xoài 1 ký 15 ngàn, 2 ký 25 ngàn” được các anh chị bán hàng “nhiệt tình” đẩy tới đẩy lui để mời gọi khách mua. Các quầy hàng bán áo quần, dày dép... cũng phát loa rao chương trình khuyến mãi liên tục.

Nghe tiếng loa phát ra từ chỗ của chị bán tôm, tôi ghé lại hỏi mua. Tranh thủ chị đang cân tôm, tôi hỏi chị sao cứ mở loa rao ồn ào vậy làm gì, khách họ mua quen và thấy tôm mình bán tươi thì sẽ quay lại lần sau thôi. Chị bán tôm cười nói: “Vậy là chị không biết rồi. Ai cũng mở loa, mình cũng phải mua loa để rao cho lớn, khách từ đằng xa nghe hấp dẫn, thấy giá rẻ hơn chỗ khác mới ghé mua. Nay buôn bán phải vậy, không mở loa thì mình thua người ta rồi...”. Đó cũng làm tâm lý của một số người bán hàng có mở loa để rao giá mà tôi đã có dịp ghé lại hỏi thăm. Mãi rồi ai cũng như ai, phải sắm cho được cái loa để phục vụ cho việc buôn bán của mình.

Cố chạy xe vào bên trong thêm một đoạn, hai lỗ tai của tôi lại lùng bùng hơn vì cùng một lúc phải nghe nhiều tiếng rao bán hàng bằng loa cầm tay. Những cái loa cầm tay di động phát ra từ các gian hàng của những người bán rau, cá, gà, vịt đến áo quần, dày dép... cùng mở, phát to cho bà con đi chợ nghe làm cho âm thanh ồn ào vốn có nơi chợ càng trở nên loạn xạ hơn. Một số người bán hàng có mở loa cầm tay khi được hỏi đều hồn nhiên nói rằng họ không biết mở loa rao bán như vậy có ảnh hưởng hay vi phạm gì không, nhưng trước mắt họ thấy khỏe cho mình là có thật. Chỉ cần thu vài câu nói, ngày nào ra chợ chỉ việc bật loa mở lên, vậy là không phải rao bằng miệng vừa mệt, vừa không hấp dẫn khách.

Ban đầu một người mở cũng vừa nghe, đến khi nhiều người sắm loa để “bằng chị bằng em”, ai cũng muốn khách mình nghe được nên mạnh ai nấy mở. Thế nên, đi từ đầu chợ đến cuối chợ chỉ nghe toàn giọng người rao bán hàng bằng cái loa nhỏ di động cầm tay. Nhiều người buôn bán sâu bên trong hoặc không sắm loa cho biết, lúc đầu nghe cũng tỏ thái độ khó chịu, cũng nhắc bạn hàng vặn loa nhỏ lại, nhưng rồi ngày nào cũng ngồi đó, cũng nghe vậy nên riết thành quen và không còn ai nhắc nhở gì ai nữa. Đi một vòng các tuyến đường quanh chợ Thủ Dầu Một, đặc biệt là đoạn trên đường Bạch Đằng và đường Đinh Bộ Lĩnh... chúng tôi thấy cũng diễn ra tình trạng tương tự.

 Tình trạng buôn bán hàng rong mở loa inh ỏi cũng gây nhiều bức xúc cho người dân

“Chịu trận” bởi karaoke di động

Ra chợ đã ồn ào nhức tai, nhiều người dân cho biết khi về đến nhà mình rồi họ còn phải “chịu trận” vì tiếng ồn từ những chiếc loa karaoke của nhà hàng xóm. Chị Trần Thị Ánh, ở khu phố 1, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ, chiều tối đi làm về mệt mỏi rã rời, chỉ mong ăn cơm xong đi nghỉ để lấy lại sức mai đi làm tiếp thì tiếng hát karaoke từ nhà hàng xóm lại vang lên. Chị cho biết, xóm chị ở có khoảng 20 hộ gia đình thì có 5 hộ thường xuyên tổ chức hát karaoke bất kể giờ giấc. Ngày thường cũng như ngày nghỉ, cứ rảnh rỗi là họ hát karaoke. Trong đó có một gia đình từ khi mua chiếc loa kẹo kéo về chơi, có một thời gian gần như ngày nào cũng hát. Anh em, bạn bè tụ tập lại ăn nhậu sau đó hát xuyên trưa. Âm thanh thì mở hết công suất, cứ như ở chốn không người.

“Ngày nghỉ, cái xóm nhỏ này chẳng khác nào đại nhạc hội, đầu trên thì hát cải lương, ở giữa thì nhạc vàng, cuối xóm thêm hai gia đình hát đủ thể loại nhạc khác”, chị Ánh than thở. Do tính chất công việc chị làm việc tại nhà và cần sự yên tĩnh. Thế nhưng cứ bị hàng xóm “tra tấn” bởi tiếng karaoke từ ngày này đến ngày khác nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng, hiệu quả công việc. Chị cho biết thêm, có lần một chị hàng xóm của chị đã phải gọi điện thoại nhờ công an khu vực đến nhắc nhở vì nhà hàng xóm sát bên hát karaoke từ trưa đến chiều tối, gây ồn ào nên con chị không thể tập trung học tập được.

Mấy năm gần đây, tình trạng hát karaoke tự phát trong khu dân cư, ở các khu nhà trọ xuất hiện ngày càng nhiều do các phương tiện phục vụ hát hò ngày càng rẻ, ai cũng có thể sắm. Nhà có điều kiện sắm cả dàn karaoke, người ít tiền hơn chỉ cần mua một cái loa di động vài trăm ngàn có kết nối bluetooth với điện thoại là có thể hát karaoke mọi lúc, mọi nơi. Chị Võ Thị Tuyết Nhung ở khu phố Tây B, phường Đông Hòa, TP.Dĩ An, cho biết: “Nhiều người giọng hát đã không hay, khi có hơi men rồi mở karaoke loa di động lên hát nên rất khó nghe và gây ồn ào, ảnh hưởng rất lớn đến người dân xung quanh. Có người hát từ trưa đến đêm khuya. Không chỉ một nhà hát mà có khi 3 - 4 nhà cùng mở loa lên hát, tạo nên thứ âm thanh hỗn tạp và người nghe chỉ biết chịu trận”.

Lâu nay, chúng ta thường nghe nhắc đến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ máy móc sản xuất công nghiệp, từ tiếng còi xe, nhưng những năm gần đây phong trào hát karaoke tự phát, loa kéo di động rộ lên hay tiếng ồn từ những chiếc loa cầm tay của những người bán hàng rong, buôn bán ở các khu chợ cũng là tình trạng ô nhiễm tiếng ồn gây nhiều bức xúc, tranh cãi. Đến bao giờ tình trạng này mới được chấm dứt, dẹp bỏ, đó là điều mà người dân đang rất trông chờ. (Còn tiếp)

 Bài 2: Khi công viên thành sân khấu ca nhạc

 HỒNG THUẬN