Cần có thuốc “đặc trị” bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm - Kỳ 2
(BDO) Kỳ 2: Linh hoạt “cởi trói” cơ chế tự chủ
Hiện nay, nhiều đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh đang gặp khó trong thực hiện cơ chế tự chủ. Chính những vướng mắc trong cơ chế tự chủ vô hình trở thành “vòng kim cô” trói buộc, kìm hãm sự phát triển của đơn vị y tế công lập. Để kịp thời giải quyết khó khăn, Bình Dương đã linh hoạt gỡ “nút thắt” trong cơ chế, chính sách để phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Nhiều thiết bị y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương hư hỏng nhưng do vướng cơ chế nên chưa thể thay mới
Tự chủ nhưng không tự quyết
Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa Thuận An, Trung tâm Y tế TP.Thuận An mỗi ngày tiếp nhận hơn 80 bệnh nhân đến khám, điều trị nhưng toàn khoa chỉ có 3 máy đo tim thai, 3 máy nghe tim thai đã cũ kỹ, xuống cấp, được đầu tư từ năm 2010.
Khoa không được trang bị máy siêu âm 4D hay bàn sinh chuyên dụng. Có những máy móc, thiết bị y tế đã được bệnh viện đề xuất mua sắm cách đây 4 năm nhưng đến nay vẫn chỉ là đề xuất.
Ngoài máy đo tim thai, nghe tim thai bị thiếu, hư hỏng, không thể sửa chữa, bệnh viện còn thiếu cả máy đo điện tim, máy siêu âm đầu dò, máy gây mê, máy mổ nội soi... Tuy nhiên, theo quy định phân cấp, Trung tâm Y tế TP.Thuận An không thể thực hiện mua sắm, công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế là do cấp trên thực hiện.
Đây là một nghịch lý trong cơ chế tự chủ. Bệnh viện Đa khoa Thuận An là bệnh viện hạng 2 trực thuộc Trung tâm Y tế TP.Thuận An (đơn vị đa chức năng gồm điều trị, dự phòng), tự đảm bảo kinh phí hoạt động từ 70% đến dưới 100%. Năm 2016, bệnh viện được giao tự chủ, tự thu, tự chi nhưng ràng buộc không thể tự chủ toàn diện.
Chủ trương giao tự chủ tài chính nhưng việc mua sắm phục vụ khám, chữa bệnh thì trung tâm vẫn phải chờ phê duyệt từ nhiều cấp. Nguồn thu khám, chữa bệnh sau khi trừ các khoản chi, bệnh viện trích lập cải cách tiền lương cao nhưng lại ít sử dụng, trong khi máy móc thiết bị y tế, thiết bị văn phòng xuống cấp không thể mua sắm.
Thiết bị y tế hư tại kho của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương
Nguồn quỹ khen thưởng, quỹ thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế hạn hẹp; lương, chế độ đãi ngộ thấp. Đơn vị không có kinh phí để nâng cao chất lượng bệnh viện hạng 2 và thực hiện các danh mục kỹ thuật khó.
Thực tế, hoạt động của các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố và các bệnh viện công lập cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính còn mâu thuẫn, chưa bảo đảm tính đồng bộ giữa tự chủ về tài chính và tổ chức bộ máy, biên chế. Hiện các đơn vị y tế công chưa được giao quyền tự chủ về nhân lực, công tác tuyển dụng của đơn vị phải thông qua Sở Y tế, kể cả tuyển nhân viên hợp đồng.
“Bệnh viện Đa khoa tỉnh - đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên nhưng vẫn chưa tự quyết trong tổ chức bộ máy, việc sử dụng, bố trí cán bộ, hoặc tuyển dụng viên chức do cấp trên thực hiện; chế độ lương, thưởng phải thực hiện theo quy định. Điều này đã hạn chế tính tự chủ của đơn vị, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, không có nguồn chi tăng thêm thu nhập dẫn đến tăng áp lực làm việc, khó phát huy sự sáng tạo của viên chức, người lao động”, bác sĩ Dương Tấn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết.
“Tự chủ hiện đang là xu thế tất yếu, mở ra cơ hội phát triển xã hội hóa lĩnh vực y tế. Trung tâm y tế đa chức năng với hoạt động điều trị có thể tự bảo đảm chi thường xuyên, còn dự phòng do ngân sách cấp. Nếu coi trung tâm y tế là đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên thì vô hình trung làm hạn chế tính tự chủ của hoạt động khám, chữa bệnh. Do đó, các trung tâm y tế cần xây dựng lại định mức nhân lực, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giao biên chế hưởng lương từ ngân sách để đảm bảo nhiệm vụ dự phòng”. (GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế) |
Gỡ “nút thắt” trong cơ chế, chính sách
Để khắc phục tình trạng tự chủ nhưng không tự quyết và kịp thời giải quyết khó khăn trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế, tỉnh đã mạnh dạn “vượt rào” phân cấp cho các cơ sở y tế tự quyết các gói thầu dưới 5 tỷ đồng.
Cụ thể, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 26-7-2023 và Nghị quyết số 18/2023/NQ-HĐND ngày 1-11-2023 về đẩy mạnh phân cấp tài chính, giao giám đốc các đơn vị chủ động trong công tác mua sắm. Theo đó, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh, Giám đốc các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế có thẩm quyền quyết định mua sắm các gói thầu vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế từ 3 đến 5 tỷ đồng (trước kia 200 triệu đồng), vượt qua mốc này thì thẩm quyền thuộc Sở Y tế.
Quyết sách này thể hiện tư duy linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của lãnh đạo tỉnh để tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế, chính sách và phù hợp với tình hình thực tế. Sự phân cấp này giúp các đơn vị y tế khơi thông các điểm nghẽn trong công tác đấu thầu hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế.
Liên quan đến 20 danh mục thuốc không có người bán, tỉnh cũng chỉ đạo Sở Y tế tiến hành khẩn trương mua các gói lẻ. Để giải quyết thực trạng thiếu nhân lực, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, hỗ trợ từ 400-600 triệu đồng cho bác sĩ về công tác tại tỉnh.
Nhận thấy hạn chế trong cơ chế tự chủ, một số đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh cũng tiên phong, tìm hướng giải quyết, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ để khai thác tối ưu các nguồn thu. Các đơn vị cũng tiến hành thanh lọc bộ máy, phân công, sử dụng cán bộ hợp lý, phù hợp với năng lực, vị trí việc làm; tiết kiệm chi, tránh lãng phí các chi phí không cần thiết, chủ động các nguồn tài chính.
Đặc biệt, các đơn vị tăng cường quản lý, chỉ đạo đi đôi với kiểm tra, giám sát; phát huy trí tuệ tập thể trong xây dựng, triển khai kế hoạch tự chủ tài chính; cải tiến quy trình kê khai, giám định chi phí tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khoa học, kịp thời... Trong bối cảnh phát triển công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng thông tin cũng được các đơn vị quan tâm thực hiện.
Cũng với quyết tâm “cởi trói” “vòng kim cô” tự chủ, 2 năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương lấy mục tiêu mũi nhọn là tạo bước đột phá về thành tựu y khoa của tỉnh trên các lĩnh vực: ngoại thần kinh, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, tim mạch, thăm dò chức năng, thận nhân tạo thông qua các hình thức đào tạo như: ký kết hợp đồng với các trường đại học uy tín, phối hợp với các hiệp hội, tổ chức y khoa tổ chức các buổi khám chữa bệnh trực tuyến từ xa, Telehealth với các bệnh viện tuyến trên hoặc mời các Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ giỏi, có nhiều kinh nghiệm để chuyển giao.
Qua đó, một số kỹ thuật mới, chuyên sâu đã được bệnh viện ứng dụng như: thủ thuật chọc hút tủy làm tủy đồ, thay huyết tương trong suy gan, điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng tần số radio, phẫu thuật tạo hình chuyển ghép ngón chân sang ngón tay...)… góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh. (Còn tiếp)
“Một cơ sở y tế tự chủ hiệu quả thì lương, thu nhập, kể cả hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực sẽ rất tốt và là động lực để nhân viên gắn bó lâu dài. Tháo gỡ khó khăn trong cơ chế tự chủ là giải pháp căn cơ để các đơn vị sự nghiệp y tế công phát triển bền vững”. (Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh) |
Nhóm P.V