Cần có thuốc “đặc trị” bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm - Kỳ 1
LTS: Sau đại dịch Covid-19, ngành y tế Bình Dương rơi vào tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập. Một số ý kiến chỉ ra nguyên nhân xuất phát từ thể chế dù Bình Dương đã chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp. Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải chỉ rõ vướng cơ chế hay một bộ phận cán bộ, nhân viên e ngại, sợ trách nhiệm. Nhận diện đúng cán bộ, nhân viên chưa “làm tròn vai” ở Bình Dương không phải để đả kích mà để đưa ra giải pháp khắc phục nhằm thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được tỉnh đề ra. |
(BDO) Kỳ 1: Nhận diện cán bộ, nhân viên y tế chưa “làm tròn vai”
Cán bộ, nhân viên “làm tròn vai” là làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, từng cán bộ, nhân viên ngành y tế Bình Dương không ngại khó khăn, gian khổ, xông pha vào tâm dịch để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Dịch bệnh đi qua, một bộ phận cán bộ, nhân viên của ngành e ngại, nếu không nói là sợ trách nhiệm khi tham gia vào công tác đấu thầu dẫn đến một số gói thầu bị ách tắc, trì trệ, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.
Người dân phàn nàn, bệnh viện kêu khó
Bà Nguyễn Thị Dung, ở TP.Thuận An nhập viện ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương để điều trị bệnh suy thận theo chế độ bảo hiểm y tế (BHYT). Quá trình điều trị, bác sĩ kê toa cho bà Dung đi mua một số vật tư y tế bên ngoài, dù là một số vật tư rất bình thường. Bà Dung cũng không phải là trường hợp hi hữu được bác sĩ kê đơn mua vật tư y tế bên ngoài mà đã có rất nhiều trường hợp như vậy. Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã phải gửi báo cáo giải trình cơ quan chức năng vì đã để người bệnh phải đi mua một số vật tư y tế bên ngoài.
Cấp thuốc cho người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương
Vấn đề thiếu vật tư y tế, một số thuốc thuộc danh mục khám, chữa bệnh BHYT không phải mới. Trước đây, đã từng diễn ra tình trạng này, nhưng nay có những gói thầu kéo dài hơn 2 năm. Bệnh nhân, người nhà phải đi mua từng cây kim, sợi chỉ, găng tay, bông gạc... Tại các buổi tiếp xúc cử tri, diễn đàn “Ngành y tế lắng nghe tiếng nói nhân dân”, nhiều ý kiến thẳng thắn phê bình ngành y tế để người dân thiếu thuốc, vật tư y tế.
Ông Trần Văn Hảo, ở TP.Thuận An nói: “Người dân tham gia BHYT nhưng không được hưởng quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh tại một số cơ sở khám, chữa bệnh công lập. Thiếu thuốc đông y, thiếu vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm, người bệnh BHYT phải chịu chi phí làm xét nghiệm dịch vụ, mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài, khiến họ thiệt thòi, ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh”.
Người bệnh phàn nàn kêu ca, bệnh viện cũng phân trần, giải thích. Bệnh viện không có quyền tự quyết định mua sắm, muốn mua sắm bệnh viện phải xin chủ trương và chờ duyệt chủ trương. Thông thường, để mua sắm, bệnh viện phải thông qua nhiều giai đoạn và cần thời gian dài để thực hiện (4 đến 6 tháng).
Trong khi đó, văn bản pháp luật chồng chéo, chưa rõ ràng gây khó cho bệnh viện trong công tác đấu thầu. Ở các lần khảo sát của HĐND tỉnh rồi tiếp xúc cử tri, cán bộ, y bác sĩ, điều dưỡng cũng lên tiếng về việc bệnh viện đang thiếu thuốc cho người bệnh, nhất là một số mặt hàng thuốc không có hoạt chất thay thế, thuốc hiếm, thuốc đặc trị.
Thuốc của bệnh viện có 2 nguồn cung ứng là thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và thuốc đấu thầu cấp địa phương, nhưng cả 2 nguồn này gặp không ít khó khăn. Trung tâm Mua sắm thuốc Quốc gia có kết quả lựa chọn nhà thầu, bệnh viện liên hệ nhưng nhiều nhà thầu vẫn chưa có đầy đủ thuốc, đang tiến hành nhập khẩu.
Gói thầu cấp địa phương, một số thuốc đã hết số lượng trúng thầu theo kế hoạch, một số thuốc không có nhà thầu tham dự do nhà thầu đứt gãy nguồn cung ứng, hoặc đang sản xuất. Ngoài thiếu một số thuốc, vật tư y tế, bệnh viện còn thiếu cả hóa chất xét nghiệm.
“Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế cục bộ trên địa bàn tỉnh có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ở một số nơi, một số thời điểm có tình trạng thiếu thuốc ảo. Người bệnh, nhất là người bệnh mãn tính có tâm lý quen sử dụng thuốc có tên thương mại theo kết quả trúng thầu của năm trước, không muốn sử dụng thuốc có tên thương mại mới mặc dù 2 loại thuốc có cùng hoạt chất, hàm lượng, dạng bào chế”. (Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế) |
Còn nhiều vướng mắc
Trong các lần tiếp xúc cử tri, ngành y tế hứa sẽ có thuốc y học cổ truyền đầy đủ, sớm nhất cho người dân, nhưng đến nay đã hơn 2 năm mà thuốc vẫn chưa có, người dân vẫn mòn mỏi đợi chờ.
Lý giải thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm trong hệ thống y tế công lập, lãnh đạo ngành y tế cho rằng là do vướng mắc trong thủ tục và do đặc thù của công tác đấu thầu, thực hiện theo pháp luật chuyên ngành, không có nhà tư vấn đấu thầu, thẩm định lựa chọn nhà thầu, thẩm định giá...
Tất cả mọi việc đều do nhân viên y tế đảm nhiệm. Thuốc y học cổ truyền đã hết từ rất lâu (gần 3 năm) nhưng không thể mua được, nhân viên rất khó xác định giá kế hoạch do không đủ nguồn tham khảo, văn bản quy định đấu thầu thường xuyên thay đổi, cơ sở y tế rất khó tiến hành.
Với gói thuốc đấu thầu tập trung, năm 2023, tỉnh đã mua hơn 1.000 tỷ đồng nhưng vẫn còn khoảng 20 danh mục thuốc “đỏ mắt” tìm nhà thầu nhưng không có người bán.
Mổ xẻ vấn đề một cách khách quan thì sau đại dịch Covid-19, cùng các đợt thanh, kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Kiểm toán nhà nước, Bộ Công an cũng như các cơ quan chức năng địa phương cho thấy, một số cán bộ ngành y tế có liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm kít test xét nghiệm của Công ty Việt Á bị xử lý kỷ luật, vướng vào vòng lao lý đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của cán bộ, nhân viên ngành y tế.
Hầu hết họ đều e ngại, nếu không nói là sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị kỷ luật khi tham gia vào công tác đấu thầu nên nhiều nhân viên có kinh nghiệm nghỉ việc. Nhân viên mới tiếp quản thiếu kinh nghiệm, có phần lúng túng, sai sót trong khâu thực hiện dẫn đến công tác tham mưu chưa mang lại hiệu quả cao. Thống kê từ năm 2021 đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có 326 y, bác sĩ, nhân viên y tế xin nghỉ việc. |
Gói thầu mua hóa chất xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hoàn thiện chứng thư thẩm định giá nhưng do thiếu kiểm tra giám sát, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, đơn vị dẫn đến công văn bị thất lạc.
Khi bệnh viện nhận được công văn của Sở Y tế yêu cầu bổ sung hồ sơ phê duyệt dự toán thì cũng là lúc chứng thư thẩm định hết hiệu lực, buộc phải làm lại giá từ đầu theo giá kê khai mới nên kéo dài thời gian thầu.
Trong khi đó, kinh phí nợ, tạm ứng vật tư, thiết bị y tế, thuốc sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 của các đơn vị chưa được thanh, quyết toán (do Luật Đấu thầu không có hình thức đấu thầu trả nợ) nên một số nhà thầu “nghỉ chơi”, cắt nguồn cung ứng đã góp phần dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm. (Còn tiếp)
“Vướng mắc lớn nhất trong công tác đấu thầu, mua sắm của bệnh viện là quy định phân cấp, phân quyền. Trước đây, bệnh viện chỉ được quyền quyết định các gói thầu dưới 200 triệu đồng, trong khi vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm sử dụng nhiều, chỉ 2 ngày là bệnh viện sử dụng hết gói thầu vật tư, hóa chất dưới 200 triệu đồng. Bệnh viện mở rất nhiều gói thầu nhưng vẫn không cung ứng kịp nhu cầu. Bên cạnh đó, một số Thông tư, Nghị định đấu thầu thường xuyên thay đổi. Hiện bệnh viện đang tập trung nguồn lực triển khai công tác đấu thầu mua sắm theo Thông tư mới của Bộ Y tế để phục vụ kịp thời cho người bệnh”. (Bác sĩ Lê Ngọc Long, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương) |
Nhóm P.V