Cần có hành lang pháp lý rõ ràng cho sàn giao dịch việc làm
(BDO) Việc biến đổi thị trường lao động diễn ra mạnh mẽ hiện nay đã dẫn đến sự biến động lớn về lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước. Điều này đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, ban ngành cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc giải quyết việc làm, kết nối cung - cầu lao động. Trong đó, rất cần một hệ thống hành lang pháp lý rõ ràng để tạo điều kiện cho nhiệm vụ giải quyết việc làm hoạt động thuận lợi và hiệu quả.
Nguồn nhiều nhưng tuyển khó
Tại buổi tọa đàm trao đổi về phát triển hệ thống sàn giao dịch việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH tổ chức mới đây, đại diện nhiều doanh nghiệp (DN), các trường đại học, cao đẳng đã có nhiều đóng góp thiết thực nhằm phát triển hệ thống sàn giao dịch việc làm tại Bình Dương nói chung và cả nước nói riêng.
Cần hệ thống hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho nhiệm vụ giải quyết việc làm hoạt động thuận lợi và hiệu quả.
Chị Trịnh Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH Rochdale Spears (TP.Tân Uyên), cho biết hiện tình trạng người lao động thất nghiệp khá nhiều nhưng khi DN cần tuyển dụng lại rất khó, không có nguồn. “Công ty chúng tôi khi cần người đã gọi cho Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) tỉnh rất nhiều lần không được, nhưng khi chúng tôi gọi cho các trang tuyển dụng việc làm bên ngoài thì lại có nguồn. Tôi thấy những vị trí rất bình thường như nhân viên văn phòng với yêu cầu học vấn 12/12, có trình độ tin học cơ bản nhưng lại không có nguồn. Tôi muốn TTDVVL tỉnh có cách làm hiệu quả để DN cũng như người xin việc không bị tốn phí hai đầu”, chị Tuyền phát biểu.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong những năm qua, TTDVVL các tỉnh đã đóng góp rất nhiều cho việc tuyển dụng lao động nhưng đa phần là lao động phổ thông, còn lao động có tay nghề, những việc làm có chuyên môn thì chưa hiệu quả. Chị Hà Anh Phương, nhân viên một DN tại Khu công nghiệp VSIP I (TP. Thuận An) cho biết: “Trong quá trình tuyển lao động, khi tuyển dụng một số vị trí tại sàn giao dịch việc làm không có người, chúng tôi có liên hệ với các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh, nhưng phía nhà trường không trả lời. Như vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa sàn giao dịch việc làm và các trường cao đẳng, đại học”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Linh, Chủ tịch Hội Doanh nhân Thái Bình miền Nam, góp ý: “Các TTDVVL nhìn chung chưa có sự phối hợp tốt với DN trong tuyển dụng, nên DN thường tìm đến các kênh bên ngoài để tìm người và phải trả phí. Câu hỏi đặt ra là tại sao các TTDVVL không có nguồn, nhưng các trang ấy lại có nhiều nguồn? Các sàn giao dịch việc làm phải thực sự là cầu nối vững chắc giữa người sử dụng lao động và người lao động, phải tách lao động phổ thông riêng với nhóm lao động có tay nghề, nhân viên văn phòng, kế toán... để khi tuyển dụng, DN dễ tìm nguồn hơn”.
Đồng quan điểm với ông Linh, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Bình Dương, cho rằng: “Tất cả các tỉnh đều có sàn giao dịch việc làm nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Chúng ta đang từng bước hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây sẽ là cơ sở để cung cấp nguồn dữ liệu rất lớn. Song song đó, chúng ta đang ở thời điểm bùng nổ công nghệ thông tin. Với những nguồn lực này, tôi tin rằng nếu Cục Việc làm sắp xếp lại bộ máy, nâng cao năng lực hoạt động, sàn giao dịch việc làm sẽ là địa chỉ đỏ của DN và người lao động”.
Cần có hành lang pháp lý
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, cho biết hiện tại cả nước có 51,2 triệu lao động nhưng tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 297.000 người; giãn việc, mất việc là trên 506.000 người. Như vậy, tỷ lệ này vẫn ở trong tầm kiểm soát được. Dự báo trong quý III-2023, một số ngành sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng như: Điện tử, máy tính, chế biến thực phẩm. Trong khi đó, các ngành may trang phục, sản xuất đồ gỗ vẫn tiếp tục giảm việc làm do thiếu đơn hàng. Vì vậy, thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức và sẽ có những nhóm ngành tiếp tục sụt giảm việc làm.
“Hiện nay, Cục Việc làm đang triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu giao dịch việc làm, kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư và đang đề xuất dự án đầu tư. Điều này bảo đảm cho 63 TTDVVL trên cả nước sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc gắn với việc làm trống. Khi xây dựng xong, chúng tôi sẽ tiến tới hoàn thiện hệ thống giao dịch việc làm toàn quốc hoàn chỉnh hơn, hiện đại hơn. Để bảo đảm những thể chế này hoạt động đồng bộ, hiện đại, phát triển, bắt buộc chúng ta phải có những hành lang pháp lý. Chúng ta cần ban hành hành lang pháp lý bao gồm các quy định, chính sách cụ thể đối với từng loại hình sàn giao dịch việc làm thông qua các văn bản luật và văn bản dưới luật”, ông Bình nói.
Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho rằng: “Hoạt động của các sàn giao dịch việc làm giúp cho người lao động tìm kiếm được môi trường làm việc và giúp DN phát triển nguồn nhân lực. Hoạt động của các sàn giao dịch việc làm đã ngày càng hoàn chỉnh hơn, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Qua nghiên cứu cho thấy, sàn giao dịch việc làm vẫn chưa có hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ và riêng biệt. Hiện trong cả nước, sàn giao dịch việc làm mới chỉ được vận hành do hệ thống TTDVVL công của 63 tỉnh, thành và do các DN tư nhân tự kết nối thực hiện”.
Cũng theo ông Phạm Văn Tuyên, các tỉnh, thành cần thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp để kết nối cung cầu lao động, góp phần giúp cho thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững, hiệu quả và hội nhập hơn nhằm giúp kết nối cung cầu lao động trong nước và quốc tế được minh bạch hơn, nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường lao động.
Từ tháng 7-2008 đến nay, Bình Dương đã tổ chức 456 sàn giao dịch việc làm đa dạng theo các hình thức khác nhau. Những năm qua, Bình Dương đã không ngừng nghiên cứu và áp dụng các biện pháp khác nhau nhằm thay đổi mô hình tổ chức sàn giao dịch việc làm. Đến nay, sàn giao dịch việc làm Bình Dương đã cơ bản bao phủ trong toàn tỉnh, có sự kết nối trong cả nước và đang ngày càng được cải tiến hoàn thiện về chiều sâu để phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội. |
QUANG TÁM