Cần có giải pháp căn cơ để giúp dân thoát nghèo bền vững

Thứ hai, ngày 18/07/2016

(BDO) Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có hơn 2,31 triệu hộ nghèo (tỷ lệ 9,79% so với tổng số hộ dân cư trên toàn quốc) và hơn 1,24 triệu hộ cận nghèo (tỷ lệ 5,27%) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã tăng tỷ lệ hộ nghèo từ dưới 5% năm 2015 lên hơn 9% năm 2016 do chuẩn nghèo mới trong giai đoạn 2016-2020 nâng tiêu chí về thu nhập và đo lường thêm các mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin…

Thời gian qua, Bình Dương là một trong những địa phương điển hình của cả nước về công tác giảm nghèo. Chiếu theo chuẩn nghèo hiện tại, Bình Dương là địa phương duy nhất trên cả nước không còn hộ nghèo và cận nghèo.

Xác định giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương đã ban hành chương trình hành động cụ thể cho từng giai đoạn với nhiều chính sách, giải pháp được triển khai thực hiện có hiệu quả như tín dụng, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm….

Trong 5 năm (2011-2015), tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình giảm nghèo của tỉnh là trên 700 tỷ đồng. Các chương trình hỗ trợ người nghèo thoát nghèo nhanh, bền vững đã đem lại hiệu quả thiết thực. Giai đoạn 2010-2015, mỗi năm Bình Dương giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo. Trong giai đoạn này, tỉnh đã hai lần điều chỉnh chuẩn nghèo cho phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, Bình Dương xây dựng chuẩn nghèo đều cao gấp từ 2 đến 3 lần so với chuẩn nghèo Trung ương.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1 - 1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh cũng đã quyết định nâng chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 với mức thu nhập 1,2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn, 1,4 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh cũng có chính sách riêng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm bảo đảm thực hiện giảm nghèo một cách bền vững.

Để giảm nghèo một cách bền vững cần phải có những giải pháp căn cơ, thiết thực. Giải pháp trước tiên là chính sách giáo dục - đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí. Thứ hai là tăng cường đầu tư xây dựng nông thôn mới đặc biệt là đầu tư cho giao thông nông thôn. Giải pháp thứ ba là chính sách hỗ trợ vay vốn và đưa tiến bộ khoa học công nghệ áp dụng vào sản xuất. Vốn ưu đãi cho người nghèo được xem như “cú hích” cho ước mơ đích thực của người nghèo vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, chính sách của Nhà nước mới chỉ là yếu tố “cần” rất quan trọng và điều quan trọng hơn là sự chỉ đạo của các ngành, các cấp ở các địa phương cùng với sự tự lực, tự cường vươn lên của người nghèo là yếu tố “đủ” để hộ nghèo thoát nghèo bền vững. 

NHẬT HUY