Cần có chính sách hỗ trợ học nghề

Thứ ba, ngày 10/09/2019

(BDO) Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập hiện nay và những năm tiếp theo. Xác định lao động là vốn quý của doanh nghiệp, đi cùng với quá trình kêu gọi đầu tư, Bình Dương luôn chú trọng thu hút nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Và, trong giai đoạn công nghệ phát triển thì vấn đề đào tạo nghề cho lao động sát, đúng nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng được Bình Dương chú trọng nhiều hơn.

Nền kinh tế phát triển cần số lượng lao động lớn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo nghề. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trong nước, một thời gian dài Bình Dương chưa đáp ứng được nguồn lao động đã qua đào tạo nghề cho doanh nghiệp.

Nguyên nhân được chỉ ra, thứ nhất là do áp lực tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tăng đột biến trong một thời gian nhất định, dẫn đến việc khan hiếm lao động đã qua đào tạo; thứ hai là công tác đào tạo nghề cho lao động chưa đi vào nề nếp. Để có đủ lao động phục vụ sản xuất, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh phải tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo nghề rồi tự mở lớp đào tạo tại doanh nghiệp hoặc đào tạo lại cho những lao động trái ngành nghề mà doanh nghiệp đã tuyển dụng được.

Trước thực trạng đó, Bình Dương đã nhanh chóng triển khai hệ thống trường nghề với mục đích đào tạo nghề cho lao động sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Mặc dù quyết liệt triển khai các trường nghề, nhưng số lượng lao động qua đào tạo nghề trong giai đoạn này cũng chưa nhiều. Một số nghề đòi hỏi trình độ cao thiếu người học vì ngành giáo dục - đào tạo chưa thực hiện phân luồng để thu hút học sinh theo học nghề. Các trường nghề chỉ thực sự khởi sắc những năm gần đây khi Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 27-11-2014 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2015. Đi cùng với đó là ngành giáo dục - đào tạo đưa vào thực hiện việc phân luồng học sinh.

Kể từ đây, công tác quản lý, tổ chức đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới cơ bản đi vào nề nếp và được thực hiện tốt, phát triển ổn định, bảo đảm các quy định về tổ chức đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp. Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời cũng đã tác động làm thay đổi suy nghĩ của người dân về việc học nghề. Nhiều học sinh đã chủ động đăng ký vào trường nghề. Nhiều bậc phụ huynh chấp nhận cho con theo học nghề. Tận dụng những thuận lợi này, các trường nghề trong tỉnh không chỉ làm tốt công tác tuyển sinh, đào tạo mà còn liên kết với doanh nghiệp để đào tạo cho lao động những ngành nghề mà doanh nghiệp đang cần. Kết quả là số lượng lao động qua đào tạo ngày càng nhiều, lao động qua đào tạo nghề theo mô hình liên kết với doanh nghiệp đều có việc làm ngay.

Hiện tại, mỗi năm Bình Dương cần khoảng 50.000 lao động mới đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trong khi đó, đa số lao động đến Bình Dương làm việc đều thuộc các vùng nông thôn ở các tỉnh, thành khác trong nước và đều chưa qua đào tạo nghề. Đây sẽ là bài toán khó cho Bình Dương nếu không có chính sách hỗ trợ học nghề thỏa đáng, phù hợp với từng đối tượng lao động được Trung ương ban hành. r

LÊ QUANG