Cần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Thứ sáu, ngày 24/05/2024

(BDO)  Trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc 2024” vừa được tổ chức tại Bình Dương, vấn đề hợp tác phát triển nông nghiệp xanh được các diễn giả, nhà khoa học và các doanh nghiệp quan tâm. Tham dự các phiên thảo luận, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thành kinh tế nông nghiệp. Có như thế mới phát huy được hiệu quả tiềm lực, thúc đẩy hợp tác quốc tế với định hướng phát triển bền vững.

Trong những năm gần đây, nông nghiệp xanh được xác định là chủ trương quan trọng nhằm hướng đến một mô hình nông nghiệp tăng trưởng bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Nhìn chung, hệ thống chính sách, thể chế liên quan đến nông nghiệp xanh của Việt Nam khá đầy đủ với sự phối hợp của nhiều loại công cụ. Nông nghiệp xanh tại Việt Nam đãcónhững bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn tồn tại một số điểm cần được tháo gỡ như chưa có các quy hoạch về sản xuất hữu cơ hay chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ, chưa có nhiều tổ chức kiểm tra chứng nhận sản xuất hữu cơ “made in Vietnam”, đa phần việc chứng nhận đều phải thuê các tổ chức nước ngoài với mức phí cao.

Nông nghiệp Việt Nam vẫn hoạt động dựa trên nền tảng quy mô nhỏ lẻ, việc áp dụng các hình thức sản xuất khép kín, tập trung lớn của nông nghiệp xanh khá khó khăn. Người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng, chưa có kinh nghiệm phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác. Nguồn nhân lực tinh thông trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế so với nhu cầu. Chưa có các chương trình trọng điểm và đầu tư nguồn lực tương xứng để tạo đột phá nông nghiệp xanh…

Từ thực trạng trên, các diễn giả quốc tế cho rằng, cần có nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh, ngành nông nghiệp cần chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu.

Để thực hiện được các mục tiêu đó, trước hết, các nhà quản lý và người dân cần đổi mới tư duy, nhận thức, chủ động thúc đẩy kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh… Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp các địa phương cần tạo đột phá mới bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường… Tất cả để hướng tới chuyển đổi thành công sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp xanh.

 KHẢI ANH