Cần chủ động trên “sân chơi” tự do hóa thương mại
(BDO) Việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với mục tiêu tự do hóa thương mại đầu tư và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương được cộng đồng doanh nghiệp (DN) đặc biệt quan tâm. Đây là thị trường xuất nhập khẩu lớn của nhiều DN, nhiều ngành hàng xuất khẩu tiềm năng.
Doanh nghiệp cần làm chủ được khoa học công nghệ để tăng tính cạnh tranh. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty Gốm sứ Minh Long 1
Kỳ vọng
Theo đánh giá của Bộ Công thương, Hiệp định RCEP khi được 15 thành viên thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Hiện các thị trường trong khối RCEP đang bao trùm gần như toàn bộ chuỗi sản xuất của nhiều loại hàng Việt Nam có thế mạnh như sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến… Đây là cơ hội để Việt Nam nói chung và các DN Bình Dương mở rộng thị trường.
Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứtạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trịtrong khu vực và toàn cầu. Điều đặc biệt, trong Hiệp định RCEP có các chương dành riêng cho các DN vừa và nhỏ, thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp khi đưa ra các quy trình rộng rãi cho hợp tác kinh tế và kỹ thuật giữa các nước vì sự thịnh vượng chung.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, RCEP có hiệu lực sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ, ổn định, thuận lợi cho các nước tham gia. Thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, giúp kinh tế Việt Nam và các nước trong khối ASEAN phát triển nhanh hơn, tạo điều kiện cho các DN mở rộng được thị trường, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư…
Chủ động đón đầu
Theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, điều các DN quan tâm là được giảm thuế, thủ tục hải quan đơn giản hơn, dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ ở những nước tham gia hiệp định. “Chúng tôi cũng sẽ cùng các DN chủ động nắm bắt xu thế mới trong thời đại kinh tế số để tổ chức các cuộc kết nối trực tuyến giữa nhà nhập khẩu, nhà phân phối với nhà sản xuất trong nước, tăng cường cung cấp thông tin về thị trường và ngành hàng”, ông Xô cho biết. Điều các DN vẫn còn băn khoăn về quy tắc xuất xứ, nguyên liệu trong RCEP có được xem là nội khối và được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước thành viên hay chỉ các nước ASEAN mới được tính là nội khối như trước.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vinamit cho rằng, về lý thuyết, thị trường mở rộng hơn thì cơ hội cho DN cũng gia tăng, nhất là trong xuất khẩu hàng hóa và trao đổi thương mại. Nhưng để khai thác hết những thuận lợi là điều không dễ, nhất là trong điều kiện vốn mỏng, năng lực cạnh tranh hạn chế. Trước mắt, hàng hóa cùng loại từ các nước cũng sẽ nhập khẩu vào Việt Nam theo nguyên tắc tương tự. Để DN Việt có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước ký kết hiệp định là một bài toán cần tính kỹ. Và ở đó, thực sự rất cần có Nhà nước hỗ trợ với vai trò bà đỡ để đi trước trong các bước nền tảng. Theo tính toán của ông Viên, nếu so với lãi suất cho vay đối với các DN là 0% của các nước phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc, giá vốn mà DN Việt Nam được vay hiện nay quá cao, với 8-10%/năm, nên khó có thể cạnh tranh.
Ngành dệt may kỳ vọng hiệp định này sẽ tạo ra một thị trường rộng mở với trên 2 tỷ dân, tạo ra động lực phát triển công nghệ dệt may, chuyển dịch cơ cấu dệt may của các nước trong khu vực vào thị trường Việt Nam. Từ đó giúp Việt Nam giải quyết thách thức về phần cung thiếu hụt trong nguyên liệu dệt may suốt thời gian vừa qua.
TIỂU MY