Cần chủ động phòng chống bão lụt
Nhớ đôi tim nhỏ xa xôi năm nào
Giọt bay giọt ngã lao xao
Tình ơi bong bóng rạt rào mộng chung.
Những câu thơ thật lãng mạn nhưng cũng thật trữ tình có được từ… mưa. Nhìn trời mưa chợt nhớ đến câu thơ của Nguyên Sa: “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt/ Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa”. Nắng mưa là quy luật của thiên nhiên. Mưa sẽ góp phần mang đến sự sống, cây cối xanh tươi, đâm chồi nảy lộc, mưa giúp người dân thêm nước cày cấy, gieo trồng, tưới tiêu… Thế nhưng mấy ngày qua, trời mưa nhiều quá, nhìn trên tivi, xem báo thấy nhiều nơi ngập, lụt, khổ quá. Có ai đó đã thốt lên: “Mưa nhiều quá! Lạy trời… đừng mưa nữa!”.
Mưa nhiều, đường sá bị ngập nước. Những nơi sống ven sông mưa nhiều thì nước dâng, đi kèm với triều cường lên cao gây ngập lụt, ruộng, vườn bị ngập úng. Đặc biệt, mưa nhiều thường đi kèm theo bão tố.
Mùa mưa năm nay quy luật thiên nhiên đang tiếp tục thử thách con người. Sẽ có nhiều diễn biến bất thường trong mùa mưa bão năm nay là dự đoán của các ngành chức năng ngay từ đầu năm 2012, dựa trên cơ sở đầu năm nay bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện rất sớm ở phía nam biển Đông, mưa trái mùa nhiều ở Nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ. Theo thống kê của ngành khí tượng thủy văn, năm nay, bão và ATNĐ đến sớm bất ngờ, ngay trung tuần tháng 2-2012 trên biển Đông đã xuất hiện ATNĐ. Vào khoảng tháng 4-2012, trên phía nam biển Đông đã có cơn bão đầu tiên hoạt động, đây là cơn bão chưa từng gặp trong mấy mươi năm qua về thời gian và địa điểm... báo hiệu một mùa mưa bão bất thường.
Tại Bình Dương, liên tục những ngày gần đây, nhiều khu vực trong tỉnh bị bao phủ bởi không khí lạnh, ẩm thấp, nhiều cơn mưa xảy ra làm nhiều tuyến đường ở một số huyện, thị xã và thành phố bị ngập nước, tại một số địa phương có mưa lớn kèm gió, lốc xoáy đã gây khó khăn cho việc giao thông, sản xuất nông nghiệp và gây thiệt hại về mùa màng, nhà cửa, tài sản của người dân…Bên cạnh một số điểm ngập cũ “hễ mưa là ngập” chưa được khắc phục xong thì đang xuất hiện một số điểm ngập mới. Riêng tại đại lộ Bình Dương, một trận ngập lụt chưa từng thấy lần đầu tiên đã xuất hiện sau cơn mưa lớn ngày 29-9 vừa qua. Cơn ngập đã khiến giao thông bị tắc nghẽn hàng giờ liền, đến khi ngành chức năng đến và tìm các biện pháp thoát lũ tạm thời thì giao thông mới tiếp tục được. Mùa mưa đến, một số xã ven sông Sài Gòn trên địa bàn Thuận An cũng đang phải đối mặt với ngập lụt do mưa, kết hợp triều cường dâng cao… cũng đang cần những biện pháp căn cơ khắc phục. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, hiện nay do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh theo dự báo khu vực miền Đông Nam bộ có nơi có mưa vừa, mưa to. Để chủ động phòng, chống ngập, lụt các khu vực trũng, thấp ven sông trong thời gian tới do mưa to kết hợp triều cường gây ra… Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh cũng vừa có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão các địa phương và các ngành liên quan tăng cường tổ chức kiểm tra các đê bao, bờ bao, bờ vùng, bờ thửa… nhất là các đoạn xung yếu, bảo đảm an toàn chống triều cường; thực hiện việc gia cố, cơi nới các đê bao, bờ bao, bờ vùng, bờ thửa có khả năng bị tràn, bị vỡ, không để xảy ra ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân… Vừa qua, lãnh đạo tỉnh cũng đã tổ chức đoàn đi thực tế đến một số địa phương để kiểm tra tình hình phòng chống ngập lụt, kiểm tra các đê bao, hệ thống thủy lợi… và đề ra những giải pháp kịp thời để công tác phòng chống ngập lụt có hiệu quả trong mùa mưa bão…
Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa, bão trong năm nay, đặc biệt là thời gian gần đây, việc tăng cường các biện pháp phòng, chống thiên tai là hết sức cấp thiết. Bên cạnh các giải pháp sẵn sàng đối phó, ứng cứu, di dời người dân khi có bão, mưa lũ và triều cường gây ngập úng, nạo vét khai thông dòng chảy, kiểm tra các công trình thủy lợi, đê bao, bờ bao, bờ vùng; có kế hoạch bơm tiêu nước cho các khu vực dân cư có nguy cơ ngập úng cao do mưa lũ, triều cường thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân sinh sống và sản xuất ven sông, suối đề cao cảnh giác với các tình huống bất ngờ do mưa, bão gây ra… cũng cần quan tâm thực hiện. Có như vậy, công tác phòng chống lụt, bão trong mùa mưa mới có hiệu quả, có thể đối phó kịp thời và hạn chế bớt phần nào những thiệt hại do thiên tai gây ra, đừng để khi thiên tai xảy ra rồi mới lo việc phòng, chống!
DÂN THƯỜNG