Cần chính sách đồng hành xây dựng vùng liên kết
(BDO) Trong những năm gần đây, nông nghiệp xanh được xác định là mô hình nông nghiệp tăng trưởng bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Hiện nay, nhìn chung hệ thống chính sách, thể chế liên quan đến nông nghiệp xanh của Việt Nam khá đầy đủ.
Thực tế cho thấy sản xuất thân thiện với môi trường không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Việc mở rộng mô hình nông nghiệp xanh đòi hỏi các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ, áp dụng phương thức canh tác mới. Do đó, nhiều công đoạn đòi hỏi phải có máy móc, thiết bị, hệ thống xử lý… phù hợp để tạo ra nông sản sạch. Tuy nhiên, việc thiếu vốn, phương tiện sản xuất, khả năng tiếp cận và làm chủ các kỹ thuật canh tác mới, công nghệ mới, vật tư, thiết bị nông nghiệp mới đang kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ cũng là một rào cản cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn.
Để phát triển nông nghiệp xanh, tạo ra nông sản sạch, không chỉ cần có sự thay đổi tư duy sản xuất, sự học hỏi và nắm bắt kiến thức mới của nông dân mà còn cần có chính sách đồng hành, hỗ trợ trong việc xây dựng vùng liên kết, kết nối các kênh sản xuất từ đầu vào đến đầu ra… Từ đó giúp nông dân từng bước tiếp cận phương thức canh tác mới, hướng đến chất lượng, thay vì cứ chạy theo sản lượng như hiện nay.
Nhận thức rõ việc hội nhập trong kinh tế nông nghiệp cần những bước đi mạnh mẽ, có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từng nhấn mạnh: Việt Nam sẽ phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái thông qua áp dụng đồng bộ các quy trình công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào trong sản xuất; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, không ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người...
PHƯƠNG ANH