Cần cảnh giác với bệnh tay chân miệng
(BDO) Bình Dương hiện có số ca nhiễm bệnh tay chân miệng (TCM) được ghi nhận rất cao. Ngành y tế cảnh báo, bệnh đang có nguy cơ gia tăng nhanh vào thời điểm đầu năm học, nhà trường, phụ huynh cần cảnh giác, bảo vệ con trẻ.
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân TCM, tại khoa nhi Trung tâm Y tế TX.Thuận An
Dễ nhầm lẫn
Từ tháng 9 đến nay, Bình Dương gặp rất nhiều ca bệnh TCM ở trẻ nhỏ, bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không chữa trị đúng cách, đặc biệt là các trẻ mẫu giáo. Đang điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế TX.Thuận An, bé Trân Minh T. đang được các bác sĩ ở đây điều trị bệnh TCM và đã thuyên giảm nhiều. Tuy nhiên, trước đó mẹ bé Minh T. cho biết, con chị bị nổi ban đỏ ở TCM nhưng gia đình không hề nghĩ cháu bị TCM. Gia đình cứ nghĩ cháu nổi các vết ban là do bị dị ứng da vì cơ địa cháu mỗi khi thời tiết thay đổi cũng hay bị dị ứng nên để cháu ở nhà mà không đưa đi khám. Đến khi thấy cháu sốt cao cho uống thuốc cũng không hạ, miệng lại xuất hiện vài nốt chấm đỏ nên gia đình mới vội đưa cháu vào viện. Lúc này bác sĩ bảo cháu bị TCM độ 2A mới thấy gia đình chủ quan như thế nào.
Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Khi bị dị ứng cơ thể xuất hiện các ban hồng, ban đa dạng nổi từng mảng có kèm theo ngứa, không có phỏng nước, có thể xuất hiện ở khắp cơ thể hoặc một khu trú nào đó. Bệnh TCM đôi khi chỉ là các nốt ban nhỏ, sau đó trở thành bọng nước. Những ban đỏ này xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Vì vậy, có rất nhiều phụ huynh nhầm lẫn với bệnh dị ứng da hay các bệnh lý khác nên khi phát hiện ra bị TCM thì bệnh đã trở nên nặng hơn”.
Đưa trẻ đi khám khi xuất hiện các nốt
Theo ghi nhận của phóng viên, số ca mắc bệnh TCM từ tháng 9 đến nay liên tục tăng so với các tháng trước đó. Số ca nhập viện điều trị nội trú tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh, các trung tâm y tế các huyện, thị và các phòng khám trên địa bàn tỉnh đều tăng. TCM là một trong những bệnh ngoài da do nhiễm vi rút thường gặp ở trẻ em, khả năng lây nhiễm cao và dễ gây nhiều biến chứng. Bệnh chủ yếu lây theo đường tiêu hóa hoặc do tiếp xúc với nước bọt, dịch mũi họng, mụn nước hay phân của người nhiễm vi rút. Vì vậy, bệnh TCM rất dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt ở những địa điểm sinh hoạt tập thể như trường học... Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang, Trưởng khoa nhi Trung tâm Y tế TX.Thuận An, thời gian gần đây, bệnh TCM hầu như xuất hiện rải rác các tháng trong năm nhưng cao điểm vẫn là từ tháng 9 cho đến nay, trong giai đoạn các bé nhập học đến trường nên dễ phải đối mặt với bệnh TCM bùng phát mạnh, vì vậy phụ huynh không thể chủ quan.
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh TCM. Bác sĩ Trang khuyên cha mẹ nên lưu ý những điều sau đây để tránh cho trẻ khỏi mắc bệnh như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Rửa tay sau mỗi lần vệ sinh cho trẻ; rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng rồi khử trùng bằng Chloramin B 5%; hạn chế tình trạng ngậm tay ở trẻ nhỏ và dứt khoát ngăn tật này ở trẻ lớn…
HUỲNH THỦY