Cán bộ y tế học đường: Khó tuyển!
Mỗi ngày, HS có trên 4 giờ học tập ở trường. Với những trường dạy 2 buổi/ngày thì thời gian gần như tăng gấp đôi. Lứa tuổi HS vốn hiếu động, nhất là HS cấp I, II. Vào những giờ ra chơi các em chạy nhảy, đùa giỡn, dễ bị va chạm, té ngã; có em thì ăn uống hàng rong không vệ sinh dẫn đến đau bụng; em thì bị cảm sốt, nhức đầu... tất cả những trường hợp trên rất cần sự chăm sóc của YTHĐ. Nhưng hiện nay đội ngũ này thiếu trầm trọng. Cô Trần Thị Thanh Thu, Hiệu trưởng trường tiểu học An Bình, Dĩ An nói: “Trường tôi có trên 1.240 HS. Để chăm sóc sức khỏe cho các em, mỗi lớp có trang bị tủ thuốc do giáo viên chủ nhiệm quản lý. Cũng may trường gần trạm y tế nên những trường hợp HS bị sốt thì chúng tôi đưa qua đây, bởi vì trường không có cán bộ y tế”. Một vị trong Ban giám hiệu trường tiểu học Phước Hòa A (Phú Giáo) nói vui, giống như nhiều trường khác, từ xưa đến nay trường tôi chưa có nhân viên YTHĐ. Hàng năm có xin chỉ tiêu nhưng do ngành không tuyển được. Có cán bộ y tế sẽ hỗ trợ nhà trường trong việc tuyên truyền giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS trong thời gian các em học tập ở trường.
Không có YTHĐ nhưng gần như các trường học đều có trang bị tủ thuốc, gồm có bông băng, thuốc đỏ, dầu, một số thuốc thông dụng như đau bụng, nhức đầu... dùng để chăm sóc, sơ cứu ban đầu cho HS và điểm chung ở nhiều trường là, công việc này giao cho cán bộ chữ thập đỏ phụ trách. Lực lượng này cũng đảm trách nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục sức khỏe thông thường cho HS, hoặc phối hợp với cán bộ y tế xã, nếu mức độ tuyên truyền có tính chất cao hơn.
Khó tuyển
Hàng năm, ngành giáo dục - đào tạo đều có chỉ tiêu tuyển YTHĐ, nhưng số tuyển được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể như năm học 2010-2011 này có 225 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 10 người. Lý do cán bộ y tế không về công tác ở các trường học là vì họ sẽ không có điều kiện để trau dồi nghề nghiệp. Hiện nay với sự ra đời của nhiều bệnh viện, phòng khám tư nhân, cầu không đủ cung nên nguồn nhân lực này trở thành khan hiếm. Trong khi đó, nếu làm công tác YTHĐ thì lương chỉ trên dưới 1 triệu đồng, khiến cho nhiều người không mấy mặn mà với công việc này.
Hiện nay, trường Cao đẳng Y tế Bình Dương có đào tạo ngành y sĩ, nhưng do đào tạo theo địa chỉ và chỉ tiêu được Bộ Y tế cho phép nên chỉ đáp cho các bệnh viện, kể cả các tuyển y tế cộng đồng. Còn điều dưỡng và nữ hộ sinh mỗi lớp đào tạo trên dưới 100 chỉ tiêu, không đủ cung ứng cho y tế. Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị đã chỉ đạo, sắp tới, ngành giáo dục cùng nội vụ, trường Cao đẳng Y tế phối hợp đào tạo YTHĐ, đào tạo theo dạng này sẽ nhanh hơn. Sau đó từng bước đưa họ đi học nâng cao để đủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu. Có như vậy mới mong có đội ngũ YTHĐ phục vụ công tác chăm sóc, tuyên truyền - giáo dục sức khỏe cho HS ở các trường học.
H.THÁI