Cán bộ là cái gốc của mọi việc...
(BDO) Hôm qua (1-11), trong phiên thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nêu lên một thực trạng: Một bộ phận cán bộ, công chức năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc trong khi nguồn nhân lực thậm chí là đang dư thừa. Đại biểu cũng đặt vấn đề: “Tại sao công chức thì phải là công chức suốt đời, dẫn đến tình trạng chạy đua bằng mọi cách để vào công chức, thế là đã được bao bọc suốt đời, cứ làm việc từ từ, cứ đến tháng thì lĩnh lương, đến năm thì lên lương, đến tuổi về hưu thì có bảo hiểm xã hội?”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công... Không có cán bộ tốt thì hỏng việc...”. Thực tiễn cho thấy, muốn hoàn thành nhiệm vụ được giao, người cán bộ, công chức, viên chức phải có trình độ chuyên môn; đồng thời phải có phẩm chất chính trị vững vàng và đạo đức cách mạng trong sáng.
Từ thực tế nguồn nhân lực qua đào tạo đang dư thừa, trong khi một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng, cần tính lại tính cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đó là phải đánh giá lại cán bộ, công chức, viên chức một cách thực chất, để từ đó loại ra những người không còn đủ điều kiện, không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức là khâu then chốt vì chỉ có đánh giá đúng mới có cơ sở để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng... cán bộ, công chức, viên chức một cách khách quan, chính xác. Trong đánh giá cần chỉ ra được những ưu điểm, thế mạnh cũng như những khuyết điểm, hạn chế. Điều này không chỉ giúp đánh giá cán bộ, công chức, viên chức một cách toàn diện mà trên cơ sở đó, cán bộ, công chức, viên chức cũng nhìn nhận rõ ưu, khuyết bản thân, qua đó rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu. Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức là việc khó bởi phải nhìn ra được cái “tâm”, cái “tầm”. Bên cạnh đó, vẫn còn có tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm, thậm chí đôi khi việc đánh giá còn chưa gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao, hoặc đánh giá chung chung, hình thức...
Quốc hội đã ban hành Luật Cán bộ, công chức. Chính phủ cũng đã có nghị định về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; trong đó quy định rất cụ thể về nguyên tắc, căn cứ để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Vậy thì việc đánh giá cán, bộ, công chức, viên chức cần phải có những bước đi quyết liệt hơn, không thể để tình trạng có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” và “cứ làm việc từ từ, cứ đến tháng thì lĩnh lương, đến năm thì lên lương, đến tuổi về hưu thì có bảo hiểm xã hội”
THÀNH SƠN