Cán bộ dân vận phải gần dân, hiểu dân
(BDO) Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Điều đó cho thấy công tác vận động, tập hợp quần chúng nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ chung là cực kỳ quan trọng. Trong bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật số ra ngày 15-10- 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm...”.
Từ sự giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực tế công tác dân vận cho thấy bên cạnh các mô hình hay, cách làm mới thì yếu tố con người - những cán bộ gương mẫu trong công tác dân vận - là hết sức quan trọng. Để vận động, tập hợp được sức mạnh quần chúng nhân dân vì công việc chung cần có những cán bộ “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Những cán bộ ấy phải biết “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Xây dựng đội ngũ cán bộ gần dân, hiểu dân là việc cần làm và phải làm lâu dài, bền bỉ. Trong bài báo “Dân vận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ những người phụ trách công tác dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ làm công tác dân vận phải “nhúng tay vào việc” và “khéo ăn, khéo nói” thì dân mới nghe, mới tin và làm theo.
Để có những cán bộ gần dân, hiểu dân, thời gian qua các địa phương, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh đều đã tiến hành xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác vận động nhân dân”. Song song đó, để nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, các cấp ủy Đảng và địa phương trong tỉnh còn gắn cuộc vận động “Dân vận khéo” với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt là chuyên đề năm 2014 về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm. Kết quả của việc xây dựng đội ngũ cán bộ biết nói và làm để dân tin, dân nghe, dân hưởng ứng đã cho ra đời rất nhiều mô hình thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Nhờ biết xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận “khéo ăn, khéo nói” và sẵn sàng “nhúng tay vào việc” mà đến nay Bình Dương đã xây dựng được trên 7.000 mô hình “Dân vận khéo” để huy động sức mạnh từ sự đồng thuận của nhân dân. Nhiều tuyến đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa; nhiều gia đình đối tượng chính sách có căn nhà mới để ở; nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho doanh nghiệp… đã hình thành từ cuộc vận động này. Điều này đã lý giải vì sao Bình Dương có thể làm nên những “kỳ tích” trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Thực tế từ các mô hình “Dân vận khéo” cũng cho thấy, ở đâu có những cán bộ gần dân, hiểu dân thì ở đó hoàn thành tốt nhiệm vụ vận động, tập hợp quần chúng nhân dân.
Hy vọng việc đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận, gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, thời gian tới các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh sẽ có thêm ngày càng nhiều những cán bộ gần dân, hiểu dân.
LÊ QUANG