Cần biết về thời gian tồn tại của vi rút Zika trong dịch cơ thể người

Thứ năm, ngày 03/11/2016

(BDO) TP.HCM và Bình Dương mới đây đã công bố dịch Zika khiến nhiều người khá lo lắng. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vi rút Zika cũng như công việc phòng chống dịch bệnh lây lan, phóng viên báo Bình  Dương đã phỏng vấn Bs.Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khoẻ tỉnh xung quanh loại dịch bệnh này.

- Xin bác sĩ cho biết về việc tồn tại của vi rút Zika trong cơ thể người và cơ chế lây truyền như thế nào?

- BS.Bạch Tuyết: Trong hội nghị “Tăng cường công tác phòng chống dịch khu vực Tây Nam bộ” ngày 25-10-2016, tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, các chuyên gia đã bàn nhiều về bệnh do vi rút Zika và tiếp tục khẳng định: Ngoài đường lây truyền chính qua muỗi đốt truyền vi rút cho người, Zika còn lây qua đường tình dục, mẹ truyền sang con trong suốt thời gian mang thai và sau sinh, qua đường máu. Ông Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM đã cung cấp thêm một số thông tin về vi rút Zika, trong đó chú ý thời gian tồn tại vi rút Zika tối đa trong các dịch cơ thể người như sau: Trong tinh dịch 6 tháng; Máu thai phụ 62 ngày; Máu 6-30 ngày; Nước mắt 21 ngày; Dịch âm đạo 11 ngày; Nước tiểu 10 ngày. Tuy nhiên, chưa có báo cáo nào chỉ ra rằng vi rút có thể lây qua nước mắt hay nước tiểu người bị nhiễm. Nhưng qua đó cho thấy, việc giám sát ca nghi ngờ có thể dễ dàng hơn nếu sử dụng được nước tiểu người nhiễm để làm xét nghiệm mà không phải qua thủ thuật lấy máu. Đồng thời chú trọng vấn đề tình dục an toàn trong thời gian 6 tháng đối với các trường hợp nhiễm vi rút zika.


Súc rửa đồ chứa nước, loại trừ muỗi để phòng chống bệnh do Vi rút Zika 

- Ngoài khả năng có thể sinh con bị dị tật đầu nhỏ, thai phụ còn có di chứng gì, thưa bác sĩ?

- BS. Bạch Tuyết: Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định tình hình dịch bệnh do vi rút Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế do có mối liên quan giữa nhiễm vi rút Zika trên người mẹ mang thai với tật đầu nhỏ của thai nhi nhưng chưa có thông tin nào ghi nhận có biến chứng trầm trọng ảnh hưởng đến tính mạng của người bị nhiễm. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây cho thấy, ngoài sự nguy hiểm cho phụ nữ có thai gây ra dị tật đầu nhỏ thai nhi còn có sự liên quan giữa virus Zika với hội chứng Guillain-Barré là một tình trạng mà hệ thống miễn dịch tự tấn công các dây thần kinh sau khi nhiễm virus, gây nên tình trạng yếu cơ và liệt.

- Những bà mẹ mang thai rất lo lắng trước thông tin về dịch do vi rút Zika, bác sĩ có lời khuyên nào dành cho họ?

- BS. Bạch Tuyết: Hiện tại, vi rút Zika đã lưu hành tại Việt Nam, trước thực trạng đã có trẻ 4 tháng tuổi tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có biểu hiệu đầu nhỏ nghi liên quan đến vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo: Phụ nữ đang mang thai và dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây nhiễm vi rút Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày. Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu có phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng sốt, đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn kịp thời. Phụ nữ có thai không nên quá lo lắng, thực hiện khám thai thường xuyên, định kỳ đồng thời chỉ tiến hành xét nghiệm để phát hiện nhiễm vi rút Zika khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh và có tư vấn, chỉ định của cơ quan y tế.


Ông Huỳnh Thanh Hà (bìa trái) đang vận động bà con diệt muỗi phòng ngừa bệnh dịch 

- Đã có vắc xin tiêm phòng hay thuốc đặc trị cho bệnh này chưa, thưa bác sĩ?

- BS. Bạch Tuyết: Bệnh do vi rút Zika hiện chưa có vắc xin để phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ngành y tế phun hóa chất chỉ diệt được muỗi, không diệt được ấu trùng muỗi. Do đó, toàn dân tích cực thực hiện thêm các biện pháp diệt muỗi khác như dùng vợt điện, nhang muỗi,.. và nhất là diệt lăng quăng/bọ gậy để phòng chống bệnh do vi rút Zika, bệnh sốt xuất huyết. Mỗi cá nhân, hộ gia đình ít nhất mỗi tuần một lần, hãy chủ động kiểm tra các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các vật liệu phế thải xung quanh nhà nhằm không để cho loại muỗi truyền bệnh vào đẻ trứng và phát triển; chủ động, tích cực cùng với y tế địa phương trong công tác phun hóa chất diệt muỗi.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

Quỳnh Như (thực hiện)