Cần bảo đảm tính công bằng
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn về thực hiện tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024- 2025 gửi các tỉnh, thành. Điểm đáng chú ý, bộ đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn theo đúng quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Đối với các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên phải điều chỉnh và thông báo công khai đến các đối tượng liên quan.
Những ngày qua, vấn đề này đã nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến trái chiều của các bậc phụ huynh và các em học sinh (HS). Có thể thấy, việc cộng điểm ưu tiên đối với HS có chứng chỉ IELTS cũng được xem là cách nhằm giảm áp lực thi cử không cần thiết với những thí sinh có chứng chỉ. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc có chứng chỉ IELTS chưa đủ để phản ánh chất lượng giáo dục toàn diện cũng như nền tảng kiến thức của HS ở các môn học, cũng như sẽ tạo nên sự bất bình đẳng đối với HS vùng khó, vùng nông thôn, HS có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện ôn luyện…
Theo quy chế tuyển sinh từ THCS vào THPT của Bộ GD&ĐT, không có quy định tuyển thẳng khi thí sinh có chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh. Mặt khác, chưa bao giờ Bộ GD&ĐT cho phép việc này. Do đó, việc dừng tuyển thẳng lớp 10 đối với HS có chứng chỉ quốc tế là yêu cầu phải thực hiện đúng quy định của quy chế đã được ban hành. Điều này có nghĩa, những thí sinh có giải HS giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ không được hưởng bất cứ ưu tiên nào khi xét tuyển vào lớp 10 theo quy định của quy chế tuyển sinh hiện nay. Đến nay, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành văn bản chấn chỉnh, cũng như một số tỉnh, thành, lãnh đạo Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết sẽ rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 cho phù hợp với công văn của bộ.
Thiết nghĩ, một khi HS đã có thực lực thì chúng ta không cần trông chờ vào sự ưu tiên nào. Việc tham gia các kỳ thi sẽ giúp chúng ta có thể biết thực lực học tập của bản thân và có thêm nhiều kinh nghiệm để có kế hoạch học tập và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cho tương lai. Suy cho cùng, dù ưu tiên hay không thì vấn đề quan trọng là cách thức triển khai phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, hiệu quả và công bằng cho tất cả HS.
TUỆ NHI