Cảm xúc tháng tư - Ca khúc khải hoàn

Thứ năm, ngày 30/04/2015

(BDO) Cố NS Xuân Hồng 

Những ngày cuối tháng tư này, tôi may mắn có dịp trò chuyện cùng các nhạc sĩ Trương Quang Lục, Lư Nhất Vũ... Kỷ niệm về một ngày lịch sử mãi không quên với những giai điệu của những khúc ca khải hoàn mừng ngày non sông liền một dải. Niềm vui được lột tả trong từng ca từ và tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời của các bài hát lên sóng phát thanh thành phố ngay trong ngày quân giải phóng về tiếp quản Sài Gòn để biết thêm nhiều điều thú vị. Nhạc sĩ Trương Quang Lục cho biết: “Có 3 bài hát nổi tiếng cần nhắc đến là Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh của Xuân Hồng, Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà và Như có Bác trong ngày đại thắng của Phạm Tuyên. Cả 3 bài hát đều nói lên niềm tự hào dân tộc, đều nhắc đến Bác trong ngày lịch sử trọng đại này…”.

NS Xuân Hồng nổi tiếng với những nhạc phẩm Bài ca may áo, Xuân chiến khu, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, Mùa xuân bên cửa sổ... Ông sinh năm 1928 ở Châu Thành, Tây Ninh, nguyên Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ TP.Hồ Chí Minh. Về bài hát Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, NS Trương Quang Lục tâm sự: “Anh Xuân Hồng từng kể, anh viết bài này từ khi quân giải phóng tiến quân vào Ban Mê Thuột. Ngay khi đó ông đã tưởng tượng thành phố được giải phóng với “rừng hoa, rừng cờ” khi “thiên anh hùng ca” đã được hoàn thành trong niềm vui chung của dân tộc Việt”.

Về ca từ bài hát, đúng như NS Lư Nhất Vũ viết trong tự truyện của ông: “Lưu Hữu Phước nhận xét: Trong ca khúc Xuân Hồng, thật khó phân biệt được chỗ nào tác giả đã xây dựng câu nhạc dựa theo cốt cách lời ca là văn vần và chỗ nào lời ca theo điệu nhạc, vì nhạc và lời gắn bó mật thiết với nhau: Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh/ ôi đẹp biết bao/ biết mấy tự hào/ Sài Gòn ơi cả nước vẫy chào/ Cờ sao đang tung bay cao/ Qua hết rồi những năm thương đau/ Xa ba mươi năm nay đã gặp nhau/ Vui sao nước mắt lại trào…” (Trích Ngày ấy đã qua rồi, tự truyện của Lư Nhất Vũ). Cách gieo vần chuẩn như thế khiến cho bài hát dễ nhớ, dễ hát và cũng dễ đi vào lòng người. Với những đóng góp cho đất nước, NS Xuân Hồng cũng đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12-2014, tại TP.Hồ Chí Minh. Tên của ông cũng được đặt cho một con đường tại quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh. Đây là niềm vui và vinh dự lớn lao cho gia đình nhạc sĩ.

Nghệ sĩ Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh biểu diễn ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”

Bài Đất nước trọn niềm vui của cố NS Hoàng Hà cũng viết nhanh như nhịp quân tiến về Sài Gòn! NS Trương Quang Lục nhấn mạnh: “Đây là ca khúc đã được viết rất nhanh với nhịp điệu dồn dập. Bài hát này được nhiều ca sĩ yêu thích, thể hiện bằng cả niềm tự hào sâu sắc và niềm vui lấp lánh trong từng ca từ”. Ca khúc mang đượm tính hào hùng ngay trong thời điểm sáng tác, khi dân tộc đang sục sôi ngày vui toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, đưa đất nước đến ngày hoàn toàn thống nhất. Ca khúc được sáng tác và thu âm trong cùng một ngày 26-4-1975 và ngay ngày hôm sau, bài này đã được phát đi khắp cả nước lần đầu tiên trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam do giọng ca của NSND Trung Kiên thể hiện. Ngày 30-4 thì khắp nơi được nghe “hội toàn thắng náo nức đất nước”. Ca khúc từ lâu đã trở thành một trong những bài về ngày toàn thắng phổ biến và thành công nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. NS Hoàng Hà từng đánh giá về bài hát này của ông: “Thật là một thời điểm kỳ lạ, mà suốt cuộc đời sáng tác của tôi chưa bao giờ làm được. Chính là các chiến công thần kỳ của quân và dân ta năm ấy đã làm cho mỗi người đều cảm thấy mình như lớn lên, tìm được những cảm xúc mạnh mẽ chưa từng thấy”. Ngày 26-4-1975, khi Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin quân giải phóng miền Nam đang ồ ạt tiến về Sài Gòn, thời điểm cuối cùng kết thúc vẻ vang chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thì nhạc sĩ đã trào dâng hạnh phúc và xúc cảm. Ngay trong đêm đó, ông đã viết bài Đất nước trọn niềm vui. Viết xong, ông cùng con trai lớn của mình, NSƯT Hoàng Lương, hát say sưa suốt đêm.

Và bài “đồng ca” Như có Bác trong ngày đại thắng cũng là một niềm vinh dự lớn cho NS Phạm Tuyên. NS Trương Quang Lục nói vui rằng, trước khi bài hát này ra đời, đi đến buổi sinh hoạt, hội nghị nào cũng nghe “kết đoàn chúng ta là sức mạnh” thì sau 5 giờ chiều 30-4-1975, nơi nơi đều “Việt Nam, Hồ Chí Minh”. Lời ca ngắn gọn, hùng hồn, dễ thuộc, có tính quần chúng và kể cả bạn bè nước ngoài cũng có thể hát được nên sức lan tỏa của bài hát cực nhanh. NS Phan Hữu Lý (Bình Dương) cũng nhớ lại: “Tôi nhớ tuần đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam, các đội văn nghệ, trường học, cơ quan… thường tập bài Như có Bác trong ngày đại thắng của Phạm Tuyên. Đến đâu cũng nghe bài hát này cất lên rất hào hùng”…

NS Phạm Tuyên viết bài Như có Bác trong ngày đại thắng đêm 28-4-1975, tập và thu âm ngay trong chiều 30-4 để phát sóng trong bản tin thời sự đặc biệt 17 giờ cùng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam, chính thức công bố tin giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam. Sau năm 1975, ông còn có những ca khúc phổ biến như: Gửi nắng cho em, Con kênh ta đào, Màu cờ tôi yêu, Thành phố mười mùa hoa… Năm 2001, NS Phạm Tuyên được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho cụm 5 tác phẩm: Đảng đã cho ta một mùa xuân, Bám biển quê hương, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Như có Bác trong ngày đại thắng.

Và giờ đây, những ngày chúng ta ôn lại lịch sử của ngày trọng đại cách đây 40 năm, các ca khúc hào hùng này vẫn được cất lên thật trang trọng, ấm áp và trọn vẹn niềm tin. Sức sống của một bài hát được “kéo dài” mãi với niềm tự hào của những người con dân Việt Nam luôn hướng về quê hương đất nước. Giai điệu tự hào của dòng nhạc cách mạng vì thế vẫn sẽ sống mãi với thời gian…

 

QUỲNH NHƯ