Cảm nhận từ loạt bài “Kỷ vật từ lòng đất”
Ông Phùng Hữu Đinh, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh TP.TDM:Tôi như sống lại tuổi 20 rực lửa
Bài 1:Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh
Bài 2: Sống như anh
Bài 3: Những bức ảnh sống mãi với thời gian
Bài 4: Nỗi lòng người lính già
Bài 5: Tiếng gọi từ lòng đất
Bài cuối: Ai đã gây cảnh đau lòng!
Tôi gặp ông khi ông đang chăm chú đọc từng câu, từng chữ của loạt bài “Kỷ vật từ lòng đất” và nội dung cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” đăng trên báo Bình Dương. “Tuổi trẻ sống bằng ước mơ, bằng lý tưởng, còn lớp tuổi già như chúng tôi bây giờ sống bằng kỷ niệm. Tôi quý từng kỷ niệm, kỷ vật, nhất là những kỷ niệm, kỷ vật thời chiến tranh. Vì vậy, với tôi cuốn nhật ký này là vô giá” - ông Phùng Hữu Đinh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.TDM đã thổ lộ vậy.
Đọc nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”, ông Phùng Hữu Đinh như được sống lại tuổi 20 rực lửaNhẹ nhàng lật từng bài viết, ông nói: “Những năm chiến tranh ác liệt, người thanh niên xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Theo tiếng gọi của quê hương, của độc lập dân tộc, thanh niên từ mọi miền đất nước hăng hái lên đường nhập ngũ”. Ông cũng vậy. Học xong lớp 8, ông phải nghỉ học vì địch đánh phá ác liệt miền Bắc. Ông gia nhập vào lực lượng dân quân địa phương. Đến ngày 22-4-1968, lúc ấy ông 19 tuổi, từ quê hương Ba Vì - Hà Nội, ông cùng những đồng chí, đồng đội lên đường Nam tiến.
Từ ngày nhập ngũ đến ngày giải phóng đất nước, những người bộ đội như ông trải qua biết bao khó khăn gian khổ. Cái chết luôn cận kề. Nhưng mỗi lần nghe chuẩn bị vào trận đánh là trong lòng ai cũng rạo rực, phấn chấn. Ông kể: “Có người đang sốt run cầm cập nhưng vừa cắt cơn lại đòi đi ra trận, không ai chịu ở lại”. Bởi theo ông mỗi lần ra trận là như một lần đi hội, tâm trạng mỗi người không chỉ mong mình tiêu diệt được nhiều kẻ thù, mà còn là cơ hội để những người đồng hương có dịp gặp nhau, trao đổi thông tin cho nhau... và hẹn gặp lại vào ngày đất nước thống nhất.
Quay lại cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”, ông nói tiếp: Đọc cuốn nhật ký tôi như sống lại cái thời tuổi 20 phơi phới, hào hùng mà văn thơ vẫn gọi là “Thời hoa lửa”. Đúng như cuốn nhật ký đã viết: “Tập trung cao độ, khắc phục những thiếu sót, gạt bỏ tư tưởng không hay, chủ nghĩa cá nhân. Hãy vì tập thể, cùng tương trợ nhau trong học tập và công tác”. Thời đó làm gì có trường lớp thuận lợi như bây giờ. Lớp học tổ chức được vài ngày đã tan rã. Thầy cô nói ít học sinh hiểu nhiều bởi làm gì có thời gian. Vì vậy, chủ yếu là học từ đồng chí, đồng đội mình. Và tác giả cuốn nhật ký đã tự kiểm điểm, tự soi rọi mình rất nhiều để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, rồi phải tự trau dồi, rèn luyện thêm. Ý chí, lập trường tư tưởng chính là yếu tố quyết định cho thắng lợi chúng ta. Thời đó, nhiều khi phải nhiều ngày liền nhịn đói, nhịn khát nằm dưới hầm bí mật, chứng kiến nhiều đồng chí - đồng đội hy sinh ngay trước mắt mình nhưng trong lòng mỗi người đều tin tưởng chúng ta sẽ đánh thắng, đất nước ta sẽ được độc lập.
Với ông Phùng Hữu Đinh, chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương lòng vẫn chưa bao giờ nguôi. Nhiều bà mẹ, nhiều gia đình vẫn đau đáu tìm con, tìm người thân. Những mộ liệt sĩ chưa tìm lại tên hay những nắm xương tàn vẫn còn mãi nằm dưới lòng đất là minh chứng cho nỗi đau đến quặn thắt đó. Ông hy vọng rằng, thông qua cuốn nhật ký, qua bài báo, gia đình, người thân sẽ tìm được họ, trả lại tên cho họ và đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng. Có như vậy cả người sống, lẫn người chết mới cảm thấy yên lòng. Và bản thân những người được sống trong hòa bình như chúng ta hôm nay mới cảm thấy không có lỗi.
Và theo ông Phùng Hữu Đinh thì cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” còn mãi giá trị, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đất nước đang ngày càng thay da đổi thịt ai cũng vui, cũng mừng, nhưng đi kèm là điều đáng lo. Đó chính là sự suy thoái về đạo đức, nhiều người trẻ sống thiếu lý tưởng, có nhiều lối sống trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa của người Việt Nam. Để chống lại sự suy thoái đó, Đảng ta đang thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên chúng ta đừng làm hình thức, làm cho xong chuyện mà phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tự phê bình và phê bình để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh. Có như vậy lớp người hôm nay mới xứng đáng với truyền thống của cha ông, của biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì đất nước.
Trong quá trình xác minh sự việc trên, những buổi trò chuyện sau cùng, ông Sáng mới vô tình đưa cho P.V xem tập nhật ký của liệt sĩ được ông tìm thấy trong khu mộ gia tộc bị cày xới tan hoang. Từ kỷ vật vô giá này, chúng tôi đã viết loạt bài phóng sự “Kỷ vật từ lòng đất” đăng tải trên báo Bình Dương từ ngày 17 đến 22-9. Chiều qua (21-9), Tòa soạn Báo Bình Dương đã tổ chức buổi gặp gỡ, chia sẻ thông tin về kỷ vật của liệt sĩ với một số cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương. Chúng tôi hy vọng sau cuộc gặp gỡ này, được sự tiếp sức của các đồng nghiệp sẽ mang đến những tin vui, cơ hội tìm ra tác giả đích thực của cuốn nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh. Quý bạn đọc nếu có thông tin, xin vui lòng liên hệ theo các số ĐT: 0913.950191 - 0908.033344- 0919.010167.
THU THẢO (lược ghi)