Cảm nhận từ loạt bài “Kỷ vật từ lòng đất”

Thứ sáu, ngày 21/09/2012

- Ông Nguyễn Trung Hiếu, Nguyên Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Dương:  Lớp trẻ hôm nay hãy sống và học tập xứng đáng

Bài 1:Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh

Bài 2: Sống như anh

Bài 3: Những bức ảnh sống mãi với thời gian

Bài 4: Nỗi lòng người lính già

Bài 5: Tiếng gọi từ lòng đất

- Từng là nhà báo chiến trường, từng chứng kiến những trận đánh ác liệt trong giai đoạn 1960-1970 ở chiến trường miền Đông. Sau khi đọc loạt bài này, ông có cảm xúc gì về lý tưởng sống của thanh niên thời đó?

- Mặc dù chưa đọc hết loạt bài “Kỷ vật từ lòng đất” nhưng qua các bài báo Bình Dương đã đăng tải: Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, Sống như anh, Những bức ảnh sống mãi với thời gian, Nỗi lòng người lính già... chúng tôi rất hồ hởi và chân thành đón nhận. Chúng tôi càng đọc thì cảm xúc thời trai trẻ càng hiện về. Trước hết, là một độc giả trung thành của báo Bình Dương, tôi khen ngợi loạt bài này. Với cương vị là một đồng nghiệp, tôi hoan nghênh các P.V trẻ của Báo Bình Dương nói riêng và làng báo chí trong tỉnh nói chung đã dấn thân tác nghiệp, chịu khó, chịu khổ đi cơ sở để tìm tòi và ghi lại những kỷ vật thời chiến tranh, tô thêm vẻ đẹp truyền thống anh hùng cách mạng, truyền thống anh hùng Chiến khu Đ.  

Ông Nguyễn Trung Hiếu đọc loạt bài “Kỷ vật từ lòng đất” và tưởng nhớ về những đồng đội của mình

Nhân vật M. trong cuốn nhật ký được lấy lên từ lòng đất, so với thời gian thì chị này cùng lứa tuổi với chúng tôi. Hồi đó, vào khoảng giai đoạn được viết trong cuốn nhật ký, chiến trường miền Đông diễn ra ác liệt lắm. Chúng tôi đang học phải xếp bút nghiên lên đường tranh đấu.Lý tưởng sống và chiến đấu của thanh niên thời chúng tôi tuyệt vời lắm. Đời trai của chúng tôi chỉ có một ý nguyện duy nhất là ra trận chiến đấu vì lý tưởng cách mạng cao cả với mục tiêu duy nhất là giải phóng dân tộc. Vì vậy, khi quyết tâm ra đi, tất cả thanh niên chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý hy sinh cho Tổ quốc chứ không hề nghĩ đến những lợi ích riêng tư.

- Những gì mà chị M. đã ghi lại trong cuốn nhật ký đã gợi nhớ trong ông những điều gì?

 - Lý tưởng sống của chúng tôi cái thời ở Chiến khu Đ là những gì mà chị M. đã thể hiện. Sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, đồng đội, đồng bào mình, không ngừng tu dưỡng tư tưởng của người cộng sản cách mạng. Chỉ tiếc rằng, đến giờ này, chị M. vẫn chưa biết là ai. Cũng thông qua cuốn nhật ký này, cũng nhắc nhở các bạn trẻ hôm nay ý chí “làm trai cho đáng nên trai”, phải biết sống có lý tưởng, thương yêu đồng đội, đồng bào - những người đã từng nuôi nấng, đùm bọc người cộng sản. Tôi cũng tiếc rằng, mặc dù chúng ta cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các bà mẹ VNAH, gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình cách mạng nhưng vẫn còn đó những đồng chí, đồng đội còn nằm yên dưới lòng đất anh hùng Chiến khu Đ. Sự hy sinh đó là cao cả mà chúng ta không thể lấy bất cứ thứ gì bù đắp lại được. Điều đó cũng nhắc nhở giới trẻ hôm nay phải biết sống vì lý tưởng cách mạng, lý tưởng thật thụ của người cộng sản là phải thương yêu dân, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tất cả vì nhân dân phục vụ.

- Cũng từ cuốn nhật ký này, thể hiện rõ lý tưởng sống của thế hệ Hồ Chí Minh thời đó là vì một mục đích duy nhất là giải phóng dân tộc. Trong tâm hồn của mỗi bạn trẻ thời đó là tình yêu thương đất nước, đồng bào mình. Ông có so sánh gì với lý tưởng sống của thanh niên ngày nay?

- Như tôi đã nói, thanh niên thời chúng tôi sống rạo rực, hào hứng vì Tổ quốc, vì giải phóng dân tộc là mục đích duy nhất. Do vậy, chúng tôi không ngại khó, ngại khổ dù là mưa bom bão đạn để quyết giành lại độc lập tự do. Cũng do chiến tranh, nên chúng tôi được học hành ít hơn lớp trẻ hôm nay. Tôi nghĩ rằng, lớp trẻ hôm nay năng động, sáng tạo nhiều hơn nhưng cái yếu và thiếu là tinh thần tập thể, tinh thần dân tộc. Để xứng đáng là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, các bạn trẻ cần phải cố gắng phát huy tinh thần cách mạng cao cả của người cộng sản là giúp đỡ nhân dân, giúp đỡ đồng bào mình tận tâm, tận lực. Các bạn trẻ hôm nay hãy sống xứng đáng hơn với ý nguyện của những người đã nằm xuống vì đất nước, đó là phải sống gần dân, hiểu dân, thương dân như chính người thân của mình để tạo niềm tin giữa Đảng với nhân dân, gắn kết vững chắc để xây dựng đất nước, nhất là quê hương Bình Dương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

HỒ VĂN (thực hiện)