Cấm hút thuốc lá nơi công cộng: Cần có giải pháp để quy định có hiệu lực

Thứ bảy, ngày 30/05/2015

(BDO) Mỗi ngày Việt Nam có trên 100 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá, gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ. Với hơn 90 triệu dân nhưng có tới 15,3 triệu người hút thuốc, một tỷ lệ khá cao, đang ở mức báo động.

Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực từ ngày 1-5- 2013. Nhưng 2 năm qua, luật này hầu như chưa đi vào cuộc sống.

Trước đó, cuối năm 2009, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch truyền thông quốc gia về kiểm soát thuốc lá. Và từ ngày 1-1-2010, việc hút thuốc lá tại nơi công cộng bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, lệnh cấm này hầu như không khả thi.

Nói về Luật PCTHTL, nhiều người vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của luật này về quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nơi làm việc... và việc xử lý các hành vi này. Vì thực tế mấy năm qua dù Thủ tướng đã có quy định cấm hút thuốc ở địa điểm công cộng nhưng tình trạng hút thuốc vẫn diễn ra phổ biến, khó xử lý vi phạm.

Đã đến lúc phải có một biện pháp mạnh hơn để Luật PCTHTL phát huy hiệu lực. Các chuyên gia đưa ra hai hướng cần tập trung, đó là đẩy mạnh công tác cảnh báo và tăng thuế thuốc lá. Điều này cũng được các nhà sản xuất trong nước cũng đồng tình, tuy nhiên tăng bao nhiêu là hợp lý và cùng với đó phải tăng cường kiểm soát việc nhập lậu thuốc lá vào nội địa. Đánh thuế thuốc lá cao là một trong những biện pháp được nêu trong các văn bản hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để thực hiện công ước khung về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam là thành viên. Mục đích đánh thuế cao là để tăng giá thuốc lá bán ra, từ đó hạn chế lượng người có thể tiếp cận được với thuốc lá. Tuy nhiên, ở nước ta, do chính sách thuế với thuốc lá chưa hợp lý nên giá thuốc lá vẫn còn quá thấp.

Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành về việc thực hiện nghiêm Luật PCTHTL. Văn bản đề nghị các địa phương đưa quy định hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn vào hương ước. Đồng thời Bộ Y tế cũng đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị đưa quy định “không hút thuốc lá” tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan. Đây là một quy định cần thiết trước tình trạng tỷ lệ người hút thuốc ở nước ta ngày càng tăng. Thiết nghĩ, yếu tố quyết định để Luật PCTHTL và các quy định về cấm hút thuốc lá đi vào cuộc sống là cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức tự giác thực hiện.

NHẬT HUY