Cấm định kiến về giới trong các hoạt động quảng cáo

Thứ tư, ngày 18/04/2012

Hôm qua (17-4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và thảo luận về một số vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quảng cáo. Các ý kiến đều thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quảng cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày.

Theo đó, mỗi sản phẩm quảng cáo, ngoài việc bảo đảm thông tin chính xác, còn phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục của Việt Nam. UBTVQH tán thành giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về quảng cáo.

UBTVQH cho rằng xuất phát từ thực tiễn rất nhiều tệ nạn xã hội, tai nạn do người uống rượu gây ra, việc hạn chế quảng cáo rượu là cần thiết, song cũng phải phù hợp với phong tục, tập quán cũng như các điều ước quốc tế đã ký kết. Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, việc quảng cáo rượu vang và rượu mạnh phải tuân thủ các quy định của Nhà nước trên cơ sở không phân biệt đối xử. Vì vậy, để bảo đảm nguyên tắc này, không làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam và để người tiêu dùng có ý thức cao hơn về tác hại khi lạm dụng rượu, dự thảo luật đã quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.

Nhiều đại biểu đề nghị Điều 9 dự thảo luật về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo cần bổ sung thêm nội dung định kiến về giới trong quảng cáo; bổ sung các quy định hành vi tương ứng trong hoạt động quảng cáo; quy định cụ thể một số sản phẩm hạn chế quảng cáo; chú trọng hơn đến những quy định về nội dung quảng cáo, tránh những quảng cáo phản cảm, phi thực tế...

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị cần xem xét, cân nhắc quy định thời lượng quảng cáo trên truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo (Điều 22). Theo bà Trương Thị Mai, báo nói, báo hình được quảng cáo không vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng là phù hợp bởi những kênh do Nhà nước tổ chức và không thu tiền với mục đích phục vụ cho dân, do vậy nguồn thu thêm từ quảng cáo như vậy là hợp lý nhưng với những kênh truyền hình trả tiền, người dân đã phải mua gói truyền hình mà còn bắt họ phải xem quá nhiều quảng cáo, chiếm tới 5% tổng thời lượng là điều cần cân nhắc.

Đóng góp vào dự thảo luật, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến cho rằng, quảng cáo dịch vụ y tế bên cạnh việc phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp còn cần phải thông qua cơ quan quản lý liên quan. Sữa và các sản phẩm thay thế sữa mẹ được coi là sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sữa sản xuất trong nước, giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành đối với sữa nhập khẩu, song khi quảng cáo phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xác nhận để có sự hiểu đúng về các sản phẩm này, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ.

Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết sẽ bổ sung thêm phần định kiến về giới trong quảng cáo tại quy định những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác cho phù hợp.

Cũng trong ngày hôm qua, UBTVQH đã nghe và thảo luận về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Theo TTXVN