Cải thiện dinh dưỡng trong bữa ăn học đường

Thứ năm, ngày 19/04/2018

(BDO) Hiện nay, đa số các trường học trên địa bàn tỉnh đều có cơ sở vật chất theo quy định, có bếp ăn một chiều được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm… Tuy nhiên, còn có một số trường chỉ tập trung vào việc giải quyết bữa ăn cho học sinh sao cho học sinh ăn no, ăn ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chứ chưa có điều kiện và quan tâm thực hiện việc xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi, thể trạng một cách khoa học và hợp lý.

 Phụ huynh còn thờ ơ  

Cho con đi khám dinh dưỡng vì thấy bé khá còi so với các bạn thì mới biết mình nuôi con chưa đúng, chưa quan tâm đến chế độ ăn của con bởi tâm lý qua giai đoạn 3 tuổi. Lý giải về việc này, chị M.A. (TX.Dĩ An) chia sẻ, nhiều người cứ cho rằng trẻ vào tiểu học đã biết ăn uống, tự lập thì không cần phải có chế độ ăn riêng hay cần chăm sóc bữa ăn cho các bé nữa. Tuy nhiên, điều này là không chính xác. Vì tuổi này, các bé thay đổi môi trường học tập, thay đổi tâm sinh lý, rồi lại thay răng… trong khi vì con bước vào tuổi đi học nên tâm lý ba mẹ lại tập trung vào việc bồi dưỡng kiến thức và quên câu chuyện dinh dưỡng cho lứa tuổi này.

Ông Trịnh Đức Tài (giữa), Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát nguồn thực phẩm trước khi đưa vào chế biến tại trường Tiểu học Long Nguyên (Bàu Bàng)

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bàu Bàng, cho biết trên địa bàn huyện, một số trường từ cấp tiểu học rất khó đủ chi phí để triển khai, xây dựng một thực đơn để bảo đảm cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần cho học sinh. Bởi, nếu cân bằng đầy đủ chất dinh dưỡng thì phải tăng số tiền trên một suất ăn nhưng nhiều phụ huynh không chịu vì hoàn cảnh còn khó khăn. Họ cho rằng con mình chỉ cần được ăn no, ăn đủ là được, điều này gây không ít khó khăn cho nhà trường trong việc nâng cao chất lượng bữa ăn, cân bằng dinh dưỡng trong lứa tuổi học đường. Việc tổ chức xây dựng thực đơn khó áp dụng với các trường nơi còn có nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ

Chúng ta phải thừa nhận thực trạng đang diễn ra là áp lực học hành của con trẻ. Một mặt các em phải đáp ứng đủ khối lượng bài vở ở trường. Mặt khác, quỹ thời gian dành cho các hoạt động giải trí, thậm chí ăn uống đầy đủ cũng bị thu hẹp dần. Điều đó khiến trẻ có thể rơi vào hai nhóm nguy cơ tương tự là suy dinh dưỡng và béo phì.

Đối với các trẻ học bán trú, bữa ăn ở trường là rất quan trọng giúp chúng duy trì năng lượng trong suốt quá trình học tập và vận động. Sự mất cân bằng trong dinh dưỡng hoặc chế độ ăn nghèo nàn khiến trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung tiếp nhận kiến thức và thậm chí ảnh hưởng đến quá trình phát triển của các em. Bác sĩ Lê Thị Ngọc Trâm, phụ trách khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khẳng định: “Về mặt thể chất, ở lứa tuổi này bộ não đã hoàn thiện, trẻ có thể học hỏi được rất nhiều nên nhu cầu về năng lượng cung cấp cho việc học tập tăng lên. Cơ thể trẻ tuy phát triển chậm lại về mặt cân nặng và chiều cao nhưng đây lại là giai đoạn mà cơ thể đang tích lũy những chất dinh dưỡng cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn phát triển nhanh chóng ở lứa tuổi dậy thì, nên việc cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ cần được đặc biệt lưu ý”.

Trong đợt giám sát các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh vừa qua, ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đã lưu ý các trường học về các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thể lực, chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, chiến lược sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng…; đồng thời yêu cầu địa phương có sự phối hợp chuyên ngành, liên ngành về kiểm tra, đánh giá chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định Phê duyệt chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, cả nước phấn đấu giảm suy dinh dưỡng trẻ em xuống dưới mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 20% và suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 10%), đồng thời từng bước giám sát thực phẩm tiêu thụ hàng ngày để bữa ăn cân đối và hợp lý về dinh dưỡng; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là trẻ em tuổi học đường.

 

HUỲNH THỦY